Mùa Thường Niên Chúa Nhật 14 Năm A
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9.11-13; Mt 11, 25-30
ĐIỀU BÍ MẬT
Bài suy niệm
“Đức Vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (x. Bài Đọc 1. Dc 9,9-10) đó là tin vui mà tiên tri Dacaria loan báo cho tòan thể dân Ítraen vào thời đại mới, thế giới mới. Đã xuất hiện một vị Cứu tinh kỳ lạ có nguồn gốc nghèo hèn, hiền hậu có tâm hồn khiêm hạ. Một ông vua như thế chưa bao giờ thiên hạ được nghe nói tới! Thường thì người ta quan niệm cứ hoành tráng chiến thắng trên bề mặt xã hội là thành công và ơn cứu độ là do thành công nhân loại đem lại. Người ta thường dễ dàng đồng hóa quyền bính thế gian, thế lực chính trị với ơn cứu độ từ Thiên Chúa mà đến. Hoàn toàn không phải như vậy !
Còn thánh Phaolô, ngài nhắc lại cho tín hữu Rôma là họ “không bị tính xác thịt chi phối nữa”, tức là sức mạnh của thế gian, nhưng họ sống dưới sự chi phối của sức mạnh Thần khí (x. Bài Đọc 2. Rm 8,9.11-13). Như thế Thần khí chi phối và hướng dẫn từ bên trong và hướng dẫn con người đến những chiến thắng khác với chiến thắng của sức mạnh quyền lực và trần thế theo quan niệm dân gian. Thần khí có khả năng biến “gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, biến chiến trường thành nguồn suối bình an cho mọi dân tộc. Tiên tri Dacaria ý thức được điều đó khi loan báo cho dân thành Giêrusalem vị Vua đang đến, không giống các vị vua trần thế khác, bằng cử chỉ rất biểu tượng, Ngài “khiếm tốn ngồi trên lưng lừa, “một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (x. Bài Đọc 1), con vật hiền lành mang nặng, dùng để chuyên chở đồ vật. Ngài đến bẻ gãy sức mạnh địa ngục liên minh với quyền lực, Ngài là Vua tòan năng nhờ khiêm nhu và tình yêu. Lời sách Xuất hành vọng lại : “Ngài đã quăng chìm đáy biển ngựa xe chiến mã và kỵ binh”, lời đáp ca sau bài đọc thứ 3 đêm canh thức phục sinh (Xh 15, 1b), đây là lời cao rao Thiên Chúa chiến thắng của dân Do thái sau khi vượt qua khỏi biển Đỏ, và họ nhìn thấy chôn vùi xác quân thù Ai-cập trong lòng biển thẳm sâu.
Tư tưởng ‘nhược thắng cường’ hòan tòan xa lạ với quan niệm thời bấy giờ và cũng xa lạ với hôm nay, làm sao có thể xảy ra ơn cứu độ từ nơi con tim hèn yếu, nơi thất bại ê chề và nghèo hèn, nhất là khi phải kinh qua sự chết. Đây không phải là tư tưởng của nhân lọai mà là của Thiên Chúa, tư tưởng nầy được ví như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa cũng cách xa tư tưởng loài người bấy nhiêu. Đức Giêsu đã có một lần khải hoàn vào Giêrusalem ngồi trên lưng lừa mẹ, Người làm thế không phải mỵ dân, nhưng cử chỉ của Người mang tính tiên tri biểu tượng để mặc khải giá trị mới của một thế giới mới do chính Người lãnh đạo mà tiên tri Dacaria đã loan báo, cũng như các mối phúc thật đã minh nhiên nói đến: Phúc thay ai nghèo khổ, phúc thay ai hiền lành, bị bách hại, phúc thay ai yếu thế …
Khác với quan niệm của hạng trí thức và thông tuệ, Đức Giêsu lên tiếng ca ngợi ơn mặc khải mà Thiên Chúa dành cho những kẻ bé mọn: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (x. Bài Tin Mừng Mt 11, 25-30). Một tôn giáo mới ra đời, một quan niệm đạo đức mới hình thành, làm đảo lộn bậc thang giá trị xã hội. Đó là điều bí mật mà chỉ những ai được Cha kêu gọi mới hiểu mà thôi. Bí mật này là lời mời gọi con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, đối thọai với Thiên Chúa, sống làm con Thiên Chúa, và sống sự sống của Thiên Chúa, đi về với Thiên Chúa, đó là bí mật của “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai” tôi trở thành Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu Con Thiên Chúa sẽ dạy cho chúng ta về Cha vì không ai biết Chúa Cha, trừ người Con, như thế Đức Giêsu bảo mật chân lý về Cha và mặc khải cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, hạnh phúc cho kẻ bé mọn được biết ý định của Cha, xin Chúa hãy tiếp tục mặc khải cho nhiều người bé mọn biết đón nhận ý định bí mật của Thiên Chúa, để danh Chúa ngày được lan rộng. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (08/07/2017) KONTUM
0 Bình luận: