TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI (2017-2018)-
ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN, CON NGƯỜI HIỆP THÔNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
PV: Kính thưa Cha, Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V với chủ đề ”Đào tạo Giáo lý viên trở thành con người của hiệp thông để Loan báo Tin Mừng vừa kết thúc hơn một tuần, và hôm nay là Lễ khai giảng khóa thứ 10 cho việc đào tạo GLV của Gp Sài Gòn, xem ra có những ngọn lửa mới đang cháy nối kết hai sự kiện này. Trong vai trò là Trưởng Ban Giáo Lý của Giáo phận Sài Gòn, xin Cha chia sẻ ưu tư, thao thức của cha trong việc đào tạo Giáo lý viên của Giáo phận Sài Gòn nói chung và những khóa đào tạo giáo lý viên cha đang tổ chức?
C.Hiền: Tôi rất vui vì các tham dự viên Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V đã thống nhất được một đường hướng chung trong lãnh vực đào tạo giáo lý viên, một lãnh vực hết sức quan trọng. Đường hướng này không là phát hiện mới nhưng xuất phát từ đường hướng mục vụ chung của Đại Hội Dân Chúa 2010.
Là nơi diễn ra Đại Hội này, tgp. Saigon lúc bấy giờ như được sống cùng một nhịp với cộng đồng Dân Chúa đang nỗ lực khám phá lại "căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông [và] phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này” (Thư Chung, s. 9).Sau đó, tinh thần của Đại Hội còn được Công Nghị Giáo Phận đem ra học hỏi và áp dụng nhằm canh tân các hoạt động mục vụ trong giáo phận.
Điều này thúc đẩy tôi cấu trúc lại việc đào tạo giáo lý viên theo tinh thần hiệp thông: củng cố mối hiệp thông với Chúa (cấp 1), củng cố mối hiệp thông với Giáo Hội (cấp 2) và củng cố mối hiệp thông với mọi người (cấp 3); đồng thời biên soạn lại giáo trình cho tuổi thiếu nhi và thiếu niên theo hướng hiệp thông với Chúa (7-9 tuổi), với Giáo Hội (10-12 tuổi), với mọi người (13-15 tuổi) qua việc dấn thân phục vụ xã hội (16-18 tuổi). Hy vọng giáo lý viên sau khi được đào tạo có sẵn công cụ thích hợp, để thể hiện tinh thần đã lãnh hội được trong đào tạo.
PV: Thưa cha, trong “Hướng dẫn tổng quát việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam- 2017”, phần Nhận định chung có nói đến “thách đố lớn nhất của việc huấn giáo tại Việt Nam là chuyển trọng tâm từ việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.” Từ nhận định này, Cha có dự định xây dựng kế hoạch hay những chương trình đào tạo khác nữa để giáo lý viên của Giáo phận Sài Gòn nói riêng có thể giải quyết được thách đố lớn nhất như cuốn Hướng dẫn DGL tại VN đã nêu?
C.Hiền: Tôi thiết nghĩ chúng ta phải đối diện với thách đố này ngay trong việc đào tạo căn bản cho giáo lý viên, chứ không cần xây dựng kế hoạch hay chương trình đào tạo nào khác, bởi vì việc đào tạo giáo lý viên hiện nay vẫn còn nhấn mạnh đến truyền thụ kiến thức hơn là xây dựng tương quan. Dường như chúng ta vẫn giáo dục đức tin rập khuôn theo giáo dục học đường với lối mòn quen thuộc như giảng bài, học bài, trả bài, đủ điểm thì được lên lớp, không đủ thì ở lại lớp, thay vì tạo điều kiện để cho học viên mở trí, mở lòng và mở rộng đôi tay đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu, nhờ đó hiệp với Chúa Cha, với Giáo Hội cũng như với mọi người. Thực sự không dễ dàng chút nào khi phải thay đổi một lối suy nghĩ và một cách thức hành động đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc, từ cấp giáo xứ đến giáo hạt và giáo phận. Có lẽ chẳng còn cách nào hơn bằng cách bắt đầu từ cái nhỏ bé thôi, ở đây và lúc này.
PV: Thưa cha, trong bài thuyết trình của cha tại Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V, cha có chia sẻ về ưu tư của cha cho một “Trường đào tạo giáo lý viên” mang tính chính thức, vì có nhiều ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng. Phải chăng ưu tư đó của cha khởi nguồn từ số 61 của cuốn Hướng dẫn tổng quát việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam- 2017 “Giáo lý viên cần được đào tạo giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu, trong các trường dành riêng cho giáo lý viên thông thường và các trường chuyên môn dành cho những người có trách nhiệm cũng như các chuyên viên về huấn giáo“? Và cha có dự tính gì trong tương lai để làm cho ưu tư của cha thành hiện thực tại Giáo phận Sài Gòn?
C.Hiền: Dựa vào vị thế thuận tiện của Saigon cũng như khả năng có được từ cơ sở vật chất đến nhân sự được huấn luyện từ các trường đào tạo cao cấp ở nước ngoài đang cộng tác với ban giáo lý giáo phận, chúng tôi đang theo đuổi ý định xây dựng một trường đào tạo giáo lý viên với hai cấp: đào tạo giáo lý viên thông thường và giáo lý viên phụ trách huấn giáo tại các giáo xứ. Nhờ sự trợ giúp của Chúa và hỗ trợ của các Đấng Bản Quyền, chúng tôi hy vọng ý định ấy sẽ được thực hiện trong tương lai gần.
Tôi vẫn thầm cám ơn Chúa đã ban cho GHVN có rất nhiều bạn trẻ dấn thân như những thiện nguyện viên trong việc dạy giáo lý tại các giáo xứ. Họ vừa dạy vừa tham gia các khóa đào tạo, để tự trau dồi bản thân nhằm phục vụ tốt hơn. Họ chẳng cần bằng cấp cũng chẳng bận tâm đến thù lao, chỉ mong được phục vụ. Thử hỏi ai sẽ là người đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ?
Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân có khả năng và kinh nghiệm trong lãnh vực huấn giáo, được thúc đẩy bởi nhiệt tình phục vụ của các bạn trẻ, đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi trong việc đào tạo giáo lý viên suốt những năm qua. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi muốn kéo dài mãi hình thức giáo lý viên "thiện nguyện”, bởi một đàng vẫn mong cho hình thức giáo lý viên làm việc toàn thời gian cũng như bán thời gian sẽ được phát triển trong tương lai, đàng khác vẫn muốn tạo cơ hội cho các giáo lý viên “thiện nguyện” trau dồi khả năng để có thể phục vụ cách “chuyên nghiệp” như ước nguyện của họ.
PV: Trong cuốn Hướng dẫn Tổng quát, số 61 có đề cập đến việc cần phải "chú trọng đến việc đào tạo về Nhân bản, Đời sống thiêng liêng, Thánh Kinh và Thần học, các khoa tâm lý, xã hội, giáo dục và truyền thông cũng như về sư phạm” cho giáo lý viên. Với những khóa đã mở để đào tạo giáo lý viên tại Trung Tâm Mục Vụ, theo cha, những khóa học này đã đạt được ở những điểm nào?
C.Hiền: Nhìn chung, các chiều kích đào tạo trên đã có trong chương trình đào tạo giáo lý viên của giáo phận. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa cao bởi nhiều lý do:
Trước hết, số lượng học viên theo học tại các cơ sở khá đông, nguyên số học viên theo học tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận trong ngày khai giảng năm học 2017-2018 đã là 306, gồm 156 học viên cấp 1, 102 cấp 2 và 48 cấp 3, chưa kể học viên của bốn cơ sở khác tại các giáo xứ An Nhơn, Tam Hải, Tân Hương và Bùi Môn. Với số lượng như thế, ban huấn luyện cũng khó mà biết rõ các học viên, khó để đồng hành và gặp gỡ cá nhân, là một trong những đòi hỏi cơ bản của việc đào tạo;
Kế đến, phần lớn các giảng viên tham gia đào tạo là các vị đang giảng dạy trong các chủng viện và học viện dành cho chủng sinh và tu sĩ, nên phương pháp giảng dạy dành cho giáo lý viên cũng không khác bao nhiêu, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong sư phạm đào tạo;
Sau hết, việc Ban Mục vụ Thiếu nhi cũng tham gia đào tạo giáo lý viên, thậm chí biên soạn sách giáo lý dưới danh nghĩa huấn luyện “huynh trưởng – giáo lý viên”, trùng lắp và song hành với các hoạt động của Ban Giáo lý, tạo nên sự phân hóa giữa các giáo xứ và giáo lý viên, là những người chịu ảnh hưởng trước tiên, bởi cha xứ chọn hình thức đào tạo và giáo trình nào thì các giáo lý viên phải theo như vậy; căng thẳng và xung đột xảy ra khi cha xứ được thuyên chuyển và cha xứ mới lại chọn một hình thức khác. Cho dù cả hai ban đã có nhiều nỗ lực để hợp tác với nhau, nhưng không thành, bởi nguyên tắc “tôn trọng chuyên môn hay lãnh giới” của nhau đã không tìm được tiếng nói chung.
Vấn đề này cũng là một trong những vấn đề nhức nhối thường được đề cập tới nhiều lần trong các Đại Hội Giáo lý Toàn Quốc, ngay trong Đại Hội lần V vừa qua, nhưng không thể lấy một quyết định chung bởi nó thuộc quyền hạn của các Đấng Bản Quyền địa phương, cho nên mỗi giáo phận chọn lấy cho mình một giải pháp khả thi và hiệu quả nhất. Khó khăn vẫn còn nhiều, mong quý anh chị thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.
Tác giả: Nữ tu Ngọc Lễ, OP. & web giaolyductin thực hiện
GPKONTUM (11/09/2017) KONTUM
0 Bình luận: