11/9/17

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V – Thuyết trình 3

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V –
Thuyết trình 3: GIÁO LÝ VIÊN CON NGƯỜI HIỆP THÔNG VỚI GIÁO HỘI
I.Giữa lòng Giáo Hội hiệp thông và tham gia
    1. Giáo Hội như là Hiệp thông
    Để xây dựng một ngôi nhà, khởi điểm không phải là gạch cát và xi-măng, cũng không phải là bản vẽ, nhưng là mô hình mà chủ nhà có trong đầu về ngôi nhà mơ ước của mình. Cũng thế, mô hình về Giáo Hội sẽ âm thầm định hướng việc xây dựng ngôi nhà Giáo Hội. Trong tác phẩm nổi tiếng Models of the Church (Những mô hình Giáo Hội), Đức hồng y Avery Dulles đã tóm kết năm mô hình về Giáo Hội: (1) Giáo Hội như là Cơ chế; (2) Giáo Hội như là sự Hiệp thông thần bí; (3) Giáo Hội như là Bí tích; (4) Giáo Hội như là Sứ giả; (5) Giáo Hội như là Tôi tớ. Sau này, ngài còn gợi ý thêm một mô hình được gọi là Cộng đoàn các môn đệ.
    Tại châu Á, đâu là mô hình mà Giáo Hội muốn xây dựng? Dựa vào những tư liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) cũng như Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Asia của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, có thể trả lời ngay là mô hình Giáo Hội như là hiệp thông: “Ở tâm điểm mầu nhiệm Giáo Hội là mối dây hiệp thông kết hợp Đức Kitô là Tân lang với tất cả những người đã chịu Phép Rửa. Qua mối hiệp thông sinh động và ban sự sống này, các Kitô hữu không còn thuộc về chính mình nữa nhưng thuộc về Chúa. Được kết hợp với Chúa Con trong mối dây yêu thương của Thánh Thần, các Kitô hữu được kết hợp với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này, tuôn chảy sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Do đó, mục đích đầu tiên của Giáo Hội là trở nên bí tích của sự kết hợp sâu xa con người với Thiên Chúa, và vì sự hiệp thông giữa con người với nhau được đâm rễ nơi sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Giáo Hội cũng là bí tích của sự hiệp nhất nhân loại. Nơi Giáo Hội, sự hiệp nhất này đã bắt đầu rồi, đồng thời Giáo Hội cũng là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất trọn vẹn trong tương lai” (Ecclesia in Asia, số 24).
    Sự hiệp thông có vẻ trừu tượng và xa vời đó cần được thể hiện trong đời sống hằng ngày của mỗi Giáo Hội địa phương như Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Mỗi Giáo Hội địa phương phải được xây nền trên chứng tá về sự hiệp thông vốn làm nên chính bản chất của Giáo Hội. Các nghị phụ muốn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn, quy tụ chung quanh Mục tử, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến, và giáo dân, dấn thân vào ‘cuộc đối thoại của con tim và đời sống’, được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ. Chủ yếu là nơi Giáo phận mà tầm nhìn về sự hiệp thông của các cộng đoàn được hiện thực hóa, giữa những thực tại phức tạp của châu Á về xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế” (Ecclesia in Asia, số 25).
   2. Giáo Hội tham gia
        Từ suy tư thần học về Giáo Hội như là Hiệp thông, các giám mục Á châu đưa ra định hướng về một Giáo Hội tham gia: “Sự hiệp thông trong Hội Thánh hàm nghĩa rằng mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành điều mà các nghị phụ gọi là “Giáo Hội tham gia”, một Giáo Hội trong đó mọi người sống ơn gọi riêng của mình và thi hành vai trò riêng của mình…Cách riêng, cần phải cổ võ sự tham gia nhiều hơn của giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong việc lên kế hoạch mục vụ và tiến trình quyết dịnh, qua những cấu trúc mang tính tham gia như Hội đồng mục vụ hoặc Hội đồng giáo xứ” (Ecclesia in Asia, số 25).
        Thế nào là một Giáo Hội tham gia? Không thể trình bày chi tiết ở đây, chỉ xin đưa ra những nét chính mà các giám mục Á châu mong muốn khi bàn về Giáo Hội tham gia: (1) Tập trung vào Chúa Kitô; (2) Cộng đoàn bình đẳng; (3) Cộng đoàn đồng trách nhiệm; (4) Cộng đoàn mà mỗi người cảm nhận mình thuộc về Giáo Hội; (5) Cộng đoàn mà mỗi người đều góp phần vào sứ mạng chung; (6) Cộng đoàn với tầm nhìn vượt xa hơn bức tường của Giáo Hội. (X. Statement of the Third Plenary Assembly of the FABC, For All Peoples of Asia).
    II. Giáo lý viên tham gia đời sống và sứ mạng của Giáo Hội
        1.Tham gia việc dạy Giáo lý
        Theo Tông huấn về dạy Giáo lý Catechesi Tradendae, toàn thể Giáo Hội có trách nhiệm đối với việc dạy Giáo lý (số 16). Theo ý hướng đó, Giám mục là giáo lý viên đầu tiên trong giáo phận. Tuy nhiên theo nghĩa chặt, người ta thường hiểu giáo lý viên là “người giáo dân được trao nhiệm vụ đặc biệt, theo nhu cầu địa phương, để giúp cho những ai chưa biết Đức Kitô cũng như các tín hữu được nhận biết, yêu mến, và bước theo Chúa” (Bộ Phúc-Âm-hóa các dân tộc, Guide pour les catéchistes, số 3). Tài liệu này cũng đề nghị một nghi thức trong đó Giám mục trao bài sai cho Giáo lý viên, để làm nổi bật ý nghĩa Giáo Hội của việc dạy Giáo lý và giúp ý thức rằng làm Giáo lý viên là một ơn gọi (số 26). Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh điều này với các Giáo lý viên: “Giáo lý viên là một ơn gọi chứ không phải công việc…Cha không nói “làm giáo lý viên”, nhưng “là giáo lý viên” (Hội nghị quốc tế về dạy Giáo lý, ngày 27-09-2013).
        Như thế, Giáo lý viên tham gia vào sứ vụ hết sức quan trọng của Giáo Hội. Cũng vì thế, Giáo lý viên phải có cảm thức sống động về Giáo Hội, phải ý thức rằng dạy Giáo lý không phải là hành vi cá nhân và riêng tư, nhưng luôn luôn là công việc của Giáo Hội và được thực hiện với ý thức về Giáo Hội.
        2. Tham gia với tinh thần trách nhiệm
        Tinh thần trách nhiệm đòi hỏi Giáo lý viên không ngừng kiện toàn bản thân để có thể chu toàn sứ vụ đã lãnh nhận. Nhưng kiện toàn bản thân ở những mặt nào? Nếu dạy Giáo lý là thông truyền đức tin, thì có thể nhìn vào hoạt động truyền thông để thấy những đòi hỏi cần thiết. Trong bất cứ hoạt động truyền thông nào, đều có bốn yếu tố chính: Nguồn, Sứ điệp, Kênh, Cử tọa. Dựa vào 4 yếu tố này, Giáo lý viên cần học hỏi những gì?
    - Nguồn truyền thông (Ai truyền thông?): Trong việc dạy Giáo lý, bản thân giáo lý viên là nguồn truyền thông và dạy giáo lý không chỉ là truyền thông kiến thức nhưng là truyền thông sự sống đức tin (nhận biết, yêu mến, bước theo Chúa). Vì thế, Giáo lý viên phải là người sống đức tin. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI “Giáo Hội tăng trưởng không phải bằng sự cải đạo, nhưng bằng sự thu hút”, rồi ngài nói thêm: “Điều thu hút là chứng tá đời sống” (X. Hội nghị 27-09-2013).
    - Sứ điệp (Truyền thông cái gì?): Nội dung đức tin. Làm sao có thể thông truyền đức tin nếu người truyền đạt không có kiến thức đức tin? Giáo lý viên phải hiểu biết nội dung giáo lý thì mới có thể thông truyền cho người khác cách rõ ràng, chắc chắn và thuyết phục. Do đó phải không ngừng học hỏi thêm và đừng bao giờ tự mãn cho rằng như thế là đủ.
    - Kênh truyền thông (Truyền thông bằng cách nào?): Một sứ điệp có thể được gửi đến cử tọa bằng nhiều cách (lời nói, hình ảnh, chữ viết…). Trong việc dạy Giáo lý, có thể vận dụng nhiều kênh để thông truyền nội dung đức tin, ví dụ kể chuyện, hình ảnh, trò chơi…Do đó phải trau giồi kỹ năng truyền thông.
    - Cử tọa (Truyền thông cho ai?): Câu hỏi “Truyền thông cho ai” rất quan trọng vì sẽ định hướng cả nội dung lẫn cách thế trình bày. Thông thường, cử tọa của Giáo lý viên là thiếu nhi, nhưng cũng có những lứa tuổi khác (các lớp Dự tòng, Chuẩn bị hôn nhân…), do đó phải hiểu biết về mặt tâm lý để có thể thông truyền cách hiệu quả.
        Vì những đòi hỏi trên, việc đào tạo Giáo lý viên có tầm quan trọng đặc biệt và là sự đào tạo toàn diện: nhân bản, thiêng liêng, giáo thuyết, tông đồ, và kỹ năng chuyên môn. Các giám mục và linh mục phải quan tâm đến việc đào tạo này nhưng cũng rất cần sự tham gia tích cực của mỗi Giáo lý viên.
         3.Tham gia trong tinh thần hiệp thông
        Khi thi hành sứ vụ dạy Giáo lý, Giáo lý viên bước vào một mạng lưới của những tương quan (với các linh mục, các bạn giáo lý viên, phụ huynh, học viên). Vì thế cần thiết lập những tương quan hiệp thông với mọi người, thay vì những tranh chấp, hiểu lầm và nghi kỵ.
    - Tương quan với cha sở: Trong một giáo xứ, cha sở là người chịu trách nhiệm lớn nhất trước mặt Chúa và Giáo Hội về đời sống đức tin của cộng đoàn. Vì thế Giáo lý viên cần phải hiệp thông với ngài trong tinh thần vâng phục, đối thoại và cộng tác.
    - Tương quan với các bạn Giáo lý viên: Giúp đỡ nhau để thi hành sứ vụ cách tốt đẹp nhất về mọi mặt. Cùng nhau làm chứng trước mặt mọi người về tình hiệp thông, yêu thương. Sự chia rẽ và tranh chấp giữa các Giáo lý viên là gương xấu lớn nhất và là sự phản chứng của Tin Mừng.
    - Tương quan với học viên: Giáo Hội là Thầy và là Mẹ. Trong lòng Giáo Hội, Giáo lý viên cũng phải thi hành sứ vụ với ý thức và tâm tình đó. Là người thầy vì phải thông truyền chân lý đức tin cho học viên. Là người mẹ vì đồng hành với học viên trong tình yêu thương. Những điều Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyên nhủ các linh mục cũng là lời khuyên chí tình với các Giáo lý viên: “Hội Thánh là một người mẹ và Hội Thánh giảng giống như cách một người mẹ nói chuyện với con. Bà biết con tin rằng mẹ dạy gì cũng vì lợi ích của nó, vì con cái biết rằng chúng được yêu thương” (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 139).
    Kết luận:
    Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa dạy con biết sống quảng đại,
    biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,
    biết cho đi mà không tính toàn,
    biết chiến đấu không sợ thương tích,
    biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết tiêu hao chính mình mà không tìm phần thưởng nào khác hơn là biết rằng con đang thi hành Thánh ý Chúa. Amen.
               CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
    1.Đối với bạn, là Giáo lý viên có phải là một ơn gọi? Bạn hiểu điều đó thế nào?
    2.Trong những tương quan đã đề cập tới, đâu là tương quan khó khăn nhất? Tại sao?
    3.Bạn có đề nghị cụ thể nào để giúp Giáo lý viên thi hành sứ vụ cách tốt đẹp và hiệu quả nhất?
    Tác giả: + Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM
    Nguồn: Sưu tầm
    GPKONTUM (08/09/2017) KONTUM






    CHIA SẺ

    TÁC GIẢ:

    TÁC GIẢ CHƯA CHIA SẺ...

    0 Bình luận: