Bài 2: BẢN CHẤT - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH CỦA PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM.
I - BẢN CHẤT CỦA PT.THIẾU NHI THÁNH THỂ
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một đoàn thể Công giáo giúp thăng tiến và thực hành sống đạo cho các em Thiếu nhi.
Phong Trào lấy tinh thần Đạo Binh Thánh Giá thời Trung cổ: thay vì bảo vệ thánh địa vất chất, Phong Trào bảo vệ và tô điểm đền thờ thiêng liêng là tâm hồn các em Thiếu nhi với vũ khí là Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và làm Tông đồ. Phong Trào bắt nguồn từ hội Tông Đồ Cầu Nguyện bên Pháp do Linh Mục Léonard Cross và Henri Ramière khởi xướng năm 1865.
Phong Trào có mặt tại Việt Nam nhờ 2 cha Léon Pillard và Paul Urureau. Năm 1929, Phong Trào mang tên là Nghĩa Binh Thánh Thể, đến năm 1965 được đổi thành Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam và đưa phương pháp sinh hoạt trẻ vào như một phương cách giáo dục mới. Năm 1971 hoàn thiện tài liệu huấn luyện cho phù hợp với giai đoạn mới. Năm 1975 ngưng mọi hoạt động, Năm 2003 tái lập Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể phù hợp với hoàn cảnh mới.
Trải qua 75 năm: dù thời gian biến chuyển, danh xưng thay đổi, phương pháp giáo dục được canh tân cho phù hợp với từng giai đoạn và hoàn cảnh nhưng bản chất: Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn được biết đến như là một đoàn thể Công giáo tiến hành, là trường giáo dục Thiếu nhi về đức tin và hướng dẫn các em làm tông đồ như số 12 Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, của Công đồng Vaticano II dạy: “Người trẻ phải trở nên tông đồ đầu tiên và trực tiếp cho giới trẻ”
Như vậy, Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn là trường giáo dục chuyên biệt cho Thiếu nhi.
II - MỤC ĐÍCH:
Điều 2 Chương I Nội Quy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nêu rõ: Thiếu Nhi Thánh Thể được thành lập với 2 mục đích:
1. Đào luyện thanh thiếu nhi về 2 phương diện tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo.
- Về phương diện tự nhiên: các em được giáo dục để trở thành những con người kiện toàn về thể chất, tinh thần và nhân cách với những đức tính căn bản của con người: trong gia đình, nơi trường học, trong khu xóm, ngoài xã hội: có khả năng, có tinh thần tự nguyện và có ý thức góp phần xây dựng xã hội.
- Về phương diện siêu nhiên: các em được giáo dục để trở thành những Kitô hữu hoàn hảo với nền tảng đạo đức chắc chắn, hiểu biết giáo lý, lương tâm ngay thẳng, sống đạo trưởng thành, hăng hái dấn thân trong việc tông đồ. Ý thức và nhiệt thành sống ơn gọi căn bản của mình là Nên Thánh và Làm Tông Đồ.
2. Đoàn ngũ hóa Thiếu nhi để hướng dẫn các em truyền thông Tin Mừng, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.
- Qui tụ và sắp xếp các em theo một kiểu thức giúp cho việc giáo dục được dễ dàng và đạt hiệu quả.
- Một Kitô hữu hoàn hảo sẽ là người làm tông đồ tốt. Một công dân tốt sẵn sàng tham gia xây dựng xã hội. Người Kitô hữu hoàn hảo siêng năng việc tông đồ, cũng hăng hái, tự nguyện dấn thân trong việc xây dựng và canh tân xã hội trần thế theo tinh thần của Phúc Âm như Thánh Công Đồng Vatican II đã dạy: đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện hoá những thực tại trần thế (TĐGD, 5)
Một người không thể làm tông đồ tốt nếu người đó không được trang bị hoàn hảo về đời sống nhân bản cũng như đời sống tâm linh. Người Kitô hữu hoàn hảo ý thức lời Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cr 9,16)
Như vậy, 2 mục đích này quấn quyện lấy nhau, đòi hỏi lẫn nhau, bổ sung cho nhau. Không thể thiếu một trong hai. Tóm lại:
- Mục đích đào tạo con người, là yếu tố “cần” để đạt được mục đích “đủ” là làm tông đồ và góp phần xây dựng xã hội
- Mục đích Sống đạo - truyền giáo, là hệ quả tất yếu của việc đào tạo con người
III - TÔN CHỈ CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ
Khi đã xác định mục đích, phong trào vạch ra cho chúng ta hướng đi. Phải trung thành và đề cao hướng đi đó mới đạt tới mục đích. Hướng đi đó gọi là Tôn chỉ
Điều 5 Nội Quy nêu rõ: “Tôn Chỉ của PT/TNTT là Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Tông Đồ. Nhất là làm tông đồ cho giới trẻ như Thánh Công Đồng Vatican II dạy:”Người trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ” (TĐGD, 12) như vậy:
a. Thánh Kinh và Thánh Thể là nền tảng và tôn chỉ của Phong trào. Các em được hướng dẫn để sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tinh thần Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và Làm việc tông đồ.
b. Lòng tôn sùng Mẹ Maria và cậy nhờ Mẹ dẫn đưa các em đến với Chúa.
c. Noi gương các thánh tiền nhân là các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.
d. Sống gắn bó với Giáo Hội và làm việc tông đồ bằng sự yêu mến và vâng phục Đức thánh Cha, vị thủ lãnh của Phong trào.
Người Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cần triệt để sống Tôn Chỉ của mình để có thể trở nên công cụ hữu hiệu thông truyền Tình Yêu và Sự Sống của Chúa cho các em và cho mọi người xung quanh.
0 Bình luận: