9/9/17

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 23 Năm A

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 23 Năm A
Ed 33,7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18,15-20

SỬA LỖI HUYNH ĐỆ
        Bài suy niệm
        Người ta thường nói “nhân vô thập toàn” (không ai hoàn hảo), vậy thì làm sao dám nói đến việc sửa lỗi anh em, bởi vì mọi người đều có mẫu số chung là khuyết điểm,bất tòan và tội lỗi. Ai dám chen chân vào việc của người khác. Nghe đến sử lỗi thì đã chói tai rồi, cho dù có thêm vào hình dung từ  huynh đệ, thì cũng không giảm đi sự khó chịu vì sự việc chính đó sẽ gây nên khó xử. Sửa lỗi anh em là chuyện không đơn giả đối với cả hai phía, người nói và người nghe. Cả hai đều khó xử! Có giả hình lắm không khi xây dựng anh em trong lúc chính mình cũng lâm vào tình trạng như thế, tội lỗi và có khi còn hơn họ nữa là đàng khác? Vả lại chính Đức Giêsu cũng đã quở trách phái Pharisiêu: “Nòi giả hình, ngươi thấy cái rác trong mắt tha nhân mà cái xà trong mắt mình lại không thấy”. 
       Tuy nhiên trong mạch văn của sứ điệp phụng vụ Chúa nhật 23A thì minh nhiên nói đến việc sửa lỗi huynh đệ. Muốn hiểu chuyện này chúng ta cần trở lại với lịch sử cứu độ: Thiên Chúa tuyển chọn một dân riêng, mà các thành viên đều có trách nhiệm trên nhau. Ơn cứu độ không riêng rẽ, lẻ tẻ, cá nhân cô đơn, nhưng ơn cứu độ mang tính cộng đoàn. Cộng đoàn này cần được bảo vệ khỏi hư hỏng bởi chia rẽ do tội lỗi gây nên, do xì-căng-đan, gương mù gương xấu. Tội lỗi và gương xấu trong mọi trường hợp đều đi ngược lại tính hợp nhất và thánh thiện của cộng đoàn.Xét vì thiện ích của cộng đoàn thì lớn hơn thiện ích của cá nhân. Từ đó hiểu được lý do tại sao có vấn đề sửa lỗi huynh đệ. Sửa lỗi huynh đệ là một cách cảnh giác cá nhân đừng tiếp tục sa vào lầm lạc gây vấp phạm cho anh em.  Tội lỗi thường thì kín đáo gây tác hại cho tội nhân hơn cho xã hội, trái lại gương xấu tác hại đến xã hội rộng lớn hơn. Cả hai đều là tội. 
        Hãy lấy một thí dụ trong Kinh Thánh. Khi Cain đã giết chết Aben, em ruột mình, Thiên Chúa đã hỏi Cain: “Em ngươi đâu? ”Cain đã trả lời: “Tôi là người canh giữ em tôi sao?” Câu trả lời cho câu hỏi này là khẳng định, nghĩa là ngươi có trách nhiệm trên em ngươi, đó là “món nợ tương thân tương ái” mà Bài Đọc 2 nói đến (x. Rm 13, 8-10). Báo cho anh em một sai lầm mắc phải chẳng khác gì thi hành chức năng người lính canh vào đêm khuya. Các tiên tri được coi là lính canh, có nhiệm vụ báo động khi có sự kiện bất trắc xảy đến: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt người làm người canh gác cho nhà Israen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (x. Bài Đọc 1. Êd 33,7-9). 
       Đây cũng là thực thi tình liên đới bảo vệ sự toàn vẹn tính của cộng đoàn. Trong đời sống thiêng liêng, một sự báo động, một sửa lỗi huynh đệ, vì mục đích bảo vệ sự toàn vẹn cộng đoàn, có khi gây ra quan ngại, tạo căng thẳng, nhưng nếu nhìn sự kiện sâu sát thì việc sửa lỗi thường tạo nên cơ may chỉnh đốn đời sống thiêng liêng, giúp tu sửa đời sống đạo đức, đào sâu ý thức việc làm. Đó chính là hướng đi của Tin Mừng Mátthêu hôm nay (Tin Mừng Mt 18, 15-20), trích đọan nói về sinh họat trong Hội Thánh. Trước đó, Tin Mừng nói đến chuyện bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, nói lên tình thương bao trùm của Chủ Chăn, không muốn mất đi bất cứ con chiên nào dù nó lạc xa đàn (Mt 18,12-14). Bằng mọi cách Thiên Chúa đi tìm con chiên lạc đem về đàn. “Cũng vậy, nơi Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, không hề có ý để mặc hư đi một người nào” (câu 14).
        Nói sự thật trong tình thương (veritas in caritate) là cả một nghệ thuật sống, bởi kinh nghiệm cho hay mọi sự thật không tốt để nói ra, có khi không nói lại được việc hơn là nói. Nói đúng việc, đúng người và đúng lúc là điều đáng cân nhắc trước khi phát biểu (x. Bài Tin mừng).
        Lạy Chúa  Giêsu, xin cho con biết nói sự thật trong lòng mến và khiêm hạ đón nhận khuyết điểm khi được nhắc bảo. Xin cho con biết cảm thông thân phận yếu đuối của anh chị em con. Amen
Linh Mục Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN –  GP. KONTUM
GPKONTUM (09/09/2017) KONTUM

CHIA SẺ

TÁC GIẢ:

TÁC GIẢ CHƯA CHIA SẺ...

0 Bình luận: