16/9/17

Chúa Nhật 24 A Thường niên 2017

Chúa Nhật 24 A Thường niên 2017

Chúa Nhật 24 A Thường niên 2017
Hc 27, 33 – 28, 9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
THA THỨ KHÔNG GIỚI HẠN
        Là người, có “ai nên khôn không khốn một lần”, cái khốn có khi là cái khó vượt qua, khó nhất là vượt qua trong tha thứ.  Kinh nghiệm thấy rằng “ban tặng” là điều khó, "tự hiến” thì đòi hỏi hy sinh cao hơn,  tha thứ một sự bất công mình hứng chịu thì còn đòi hỏi hy sinh cao hơn nữa ngay cả trong tâm trí.  Dù vậy mặc lòng sách Huấn ca khuyên: "Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (x. Bài Đọc 1. Hc 27, 33 – 28, 9). Tinh thần này của sách Huấn ca không xa lời cầu xin trong kinh Lạy Cha, “xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
      Phụng vụ tuần trước trình bày việc sửa lỗi huynh đệ và tuần này nói về tha thứ, chắc chắn đây không phải là sự tình cờ. Thật ra sự tha thứ không được đề cao lắm trong Cựu ước. Xa xưa thời Cựu Ước luật báo thù cho phép trả thù gấp70 lần điều xúc phạm. Sau nầy vào thời muộn hơn luật Talion giảm nhẹ đi, cho phép: mắt đền mắt, rằng đền răng, mạng đền mạng, như vậy cho thấy có sự tiệm tiến ngày một ít khắt khe hơn trong luật báo thù thời Cựu ước. Nhưng phải đợi cho đến thời Tân ước với Đức Giêsu thì việc báo thù bị xóa sạch. 
     Đức Giêsu là tình yêu Thiên Chúa nhập thể, Ngài rao giảng một tôn giáo thiên về nội tâm hơn, coi trọng luật tình thương, luật nầy hoàn tất cả các khoản luật khác, và Ngài lấy Tình yêu thương đặt làm trung tâm và làm bản lề cho giáo lý Kitô giáo. Trình thuật Tin mừng Mt 18, 21-35 cho thấy tình yêu trong tha thứ thật bao la vô bờ bến và vô điều kiện, không quy chiếu điều ác đã gây ra. "Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: ‘Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?’ Chúa Giêsu đáp: ‘Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy’”.  Tâm thức Kinh thánh coi số 7 là con số linh thánh, con số hoàn hảo, thế mà sự tha thứ Thiên Chúa đòi hỏi vượt hẳn, cao hơn gấp bội. Câu trả lời của Đức Giêsu không ít gây ngạc nhiên cho Phê-rô, vì ông nghĩ rằng mình đã đạt được biên giới của lòng tha thứ. Nhưng không phải thế, Đức Chúa còn đòi hỏi cao hơn nữa! Bảy mươi lần bảy lần (70 x 7: 490), sự vô biên trong quảng đại tha thứ được minh họa qua dụ ngôn ông vua tha cho: "một người mắc nợ mười ngàn nén bạc”, một số tiền quá sức tưởng tượng. Và cho thấy sự đê tiện của người được tha lại không tha cho bạn mình dù chỉ là món nợ nhỏ "một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ….  bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong” (Bài Tin mừng). 
     Tha thứ vô điều kiện là điều Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ: "Hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện”.  Và chính Người dạy chúng ta qua Kinh lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.  Dĩ nhiên phải hiểu rằng, "việc tha nợ cho anh em" không phải là nguyên nhân làm cho tội chúng ta được tha, nhưng là điều kiện cần thiết phải có để tội chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Một tư tưởng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô soi sáng chúng ta về tha thứ không biên giới, ngài nói: Thiên Chúa không biết mỏi mệt khi tha thứ cho tội nhân, chỉ có tội nhân mỏi mệt chạy đến van xin Thiên Chúa thứ tha.
     Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nghiệm thấy tình yêu tha thứ vĩ đại của Chúa đối với con, để con biết cảm thông và tha thứ cho anh chị em con khi họ xin con tha thứ. Xin cho con biết khiêm hạ nhận lỗi, biết can đảm sửa lỗi và biết quảng đại tha thứ. Amen.
 Lm Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKKONTUM (16/09/2017) KONTUM

11/9/17

KỈ YẾU 70 NĂM TNTT GIÁO PHẬN KON TUM

KỈ YẾU 70 NĂM TNTT GIÁO PHẬN KON TUM


70 NĂM NHÌN LẠI
     Bước tiến của  THIẾU NHI THÁNH THỂ  (TNTT) Việt Nam và giáo phận Kontum xuất phát từ Hội Tông Đồ Cầu Nguyện (Apostolat de la prière), có nguồn gốc bên Pháp từ năm 1865 với mục đích bảo vệ tâm hồn các thanh thiếu nhi trước phong trào tục hóa đanglan tràn trong xã hội thời bấy giờ.
    Năm 1929, Hội Nghĩa Binh Thánh Thể (Croisade Eucharistique, thành lập năm 1917 tại Pháp) – một ngành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được các linh mục dòng Xuân Bích (Saint Sulpice) đưa vào Việt Nam. Hội Nghĩa Binh Thánh Thể đã nhanh chóng lan rộng đến các giáo phận trong nước Việt Nam vào những năm 1930-1940 của thế kỷ trước.
     Tại giáo phận Kontum, Hội Tông Đồ Cầu Nguyện đã hình thành từ lâu, số Hội viên đã phát triển trong nhiều xứ đạo kinh cũng như các buôn làng người dân tộc, được ghi lại trong thống kê của Echos  địa phận năm 1938[1]. Đây là tiếp nối truyền thống sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su và Bí Tích Thánh Thể, được các Yao Phu tuyên hứa trước khi chính thức vào Hội Yao phu[2] và được phổ biến trong các buôn làng và sau này Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được đón nhận vào địa phận Kontum.
     Từ năm 1937, các linh mục đã quan tâm giáo dục đức tin cho giới trẻ, nhất là tại lớp học giáo lý của họ đạo và buôn làng. Cha Alberty Hiền đã đem tinh thần cầu nguyện vào giáo xứ Tân Hương của Ngài, lấy Hội Tông đồ Cầu nguyện dành cho giới trẻ làm khung sinh hoạt, đào tạo đức tin trong các lớp giáo lý và đã lan rộng đến nhiều địa sở[3], tiền thân cho phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể. Vào năm 1945 Nghĩa Binh Thánh Thể đã lan rộng trong hầu hết địa sở, họ đạo kinh cũng như dân tộc. Đức Giám mục chính thức phê chuẩn Nghĩa Binh Thánh Thể và đã bổ nhiêm cha Simon NGUYỄN DIỆN hiện Tổng Đại Diện (1945), Đại Diện Thừa Ủy (1946-1954) làm Chủ tịch và Tổng Giám đốc*[4] Nghĩa Binh Thánh Thể của địa phận  (1946)[5]. Năm 1957[6] Nghĩa Binh Thánh Thể được đổi thành Thiếu Nhi Thánh Thể. Từ năm 1966, nhiều đoàn thể thuộc giới trẻ sinh hoạt tại địa phận, được gọi theo phong cách “giới trẻ nhiệt huyết hăng say”. Các đoàn thể giới trẻ nở rộ như phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Sinh Công…và mỗi giáo xứ đã chọn KHUNG ĐOÀN THỂ để phục vụ trong việc giáo dục đức tin, đào tạo nhân bản thích hợp giới trẻ và hướng dẫn giáo lý cho thiếu nhi trong giáo xứ mình.
     Sau năm 1975, một thời gian dài, các lớp giáo lý trong giáo xứ vẫn luôn được duy trì. Nhưng do biến cố thời cuộc, Thiếu Nhi Thánh Thể âm thầm giữ căn tính nguyên chất của “Hội Cầu Nguyện” trong sinh hoạt: siêng năng cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm việc tông đồ và phụ trách dạy các lớp giáo lý trong giáo xứ.
     Thiếu Nhi Thánh Thể địa phận âm thầm đồng hành trong việc dạy các lớp giáo lý. Những sinh hoạt khác nhằm đào tạo nhân bản, tinh thần đồng đội, làm chứng nhân trong môi trường lớp trẻ đã được Cha Micae Võ Sự, Tuyên Úy Liên Đoàn điều động. Năm 2006, Đức Cha Micae chính thức bổ nhiệm linh mục  Giuse Nguyễn Văn Đắc làm Tuyên Úy Liên đoàn của Hội Thiếu Nhi Thánh Thể sau khi cha Micae Võ Sự qua đời (05/04/2006).
[1]  La Mission des Pays Mois, năm 1937.
[2]  Xem Luật Yao Phu và Hlabar Tơbang năm 1914
[3] Xem nguyệt sang Échos  năm 1938.
[4] * linh mục Tuyên Úy
[5] Xem Échos năm 1946 và 1949.
[6] Xem phong trào thiếu nhi thánh thể toàn quốc

Ấn để đọc: 

Kỉ yếu 70 năm TNTT Giáo phận Kon Tum



TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI 2017-2018

TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI 2017-2018

TRAO ĐỔI TRƯỚC THỀM NĂM HỌC MỚI (2017-2018)-
ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN, CON NGƯỜI HIỆP THÔNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
      PV: Kính thưa Cha, Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V với chủ đề ”Đào tạo Giáo lý viên trở thành con người của hiệp thông để Loan báo Tin Mừng vừa kết thúc hơn một tuần, và hôm nay là Lễ khai giảng khóa thứ 10 cho việc đào tạo GLV của Gp Sài Gòn, xem ra có những ngọn lửa mới đang cháy nối kết hai sự kiện này. Trong vai trò là Trưởng Ban Giáo Lý của Giáo phận Sài Gòn, xin Cha chia sẻ ưu tư, thao thức của cha trong việc đào tạo Giáo lý viên của Giáo phận Sài Gòn nói chung và những khóa đào tạo giáo lý viên cha đang tổ chức?
C.Hiền: Tôi rất vui vì các tham dự viên Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V đã thống nhất được một đường hướng chung trong lãnh vực đào tạo giáo lý viên, một lãnh vực hết sức quan trọng. Đường hướng này không là phát hiện mới nhưng xuất phát từ đường hướng mục vụ chung của Đại Hội Dân Chúa 2010.
     Là nơi diễn ra Đại Hội này, tgp. Saigon lúc bấy giờ như được sống cùng một nhịp với cộng đồng Dân Chúa đang nỗ lực khám phá lại "căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông [và] phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này” (Thư Chung, s. 9).Sau đó, tinh thần của Đại Hội còn được Công Nghị Giáo Phận đem ra học hỏi và áp dụng nhằm canh tân các hoạt động mục vụ trong giáo phận.
     Điều này thúc đẩy tôi cấu trúc lại việc đào tạo giáo lý viên theo tinh thần hiệp thông: củng cố mối hiệp thông với Chúa (cấp 1), củng cố mối hiệp thông với Giáo Hội (cấp 2) và củng cố mối hiệp thông với mọi người (cấp 3); đồng thời biên soạn lại giáo trình cho tuổi thiếu nhi và thiếu niên theo hướng hiệp thông với Chúa (7-9 tuổi), với Giáo Hội (10-12 tuổi), với mọi người (13-15 tuổi) qua việc dấn thân phục vụ xã hội (16-18 tuổi). Hy vọng giáo lý viên sau khi được đào tạo có sẵn công cụ thích hợp, để thể hiện tinh thần đã lãnh hội được trong đào tạo.
PV: Thưa cha, trong “Hướng dẫn tổng quát việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam- 2017”, phần Nhận định chung có nói đến “thách đố lớn nhất của việc huấn giáo tại Việt Nam là chuyển trọng tâm từ việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.” Từ nhận định này, Cha có dự định xây dựng kế hoạch hay những chương trình đào tạo khác nữa để giáo lý viên của Giáo phận Sài Gòn nói riêng có thể giải quyết được thách đố lớn nhất như cuốn Hướng dẫn DGL tại VN đã nêu?
C.Hiền: Tôi thiết nghĩ chúng ta phải đối diện với thách đố này ngay trong việc đào tạo căn bản cho giáo lý viên, chứ không cần xây dựng kế hoạch hay chương trình đào tạo nào khác, bởi vì việc đào tạo giáo lý viên hiện nay vẫn còn nhấn mạnh đến truyền thụ kiến thức hơn là xây dựng tương quan. Dường như chúng ta vẫn giáo dục đức tin rập khuôn theo giáo dục học đường với lối mòn quen thuộc như giảng bài, học bài, trả bài, đủ điểm thì được lên lớp, không đủ thì ở lại lớp, thay vì tạo điều kiện để cho học viên mở trí, mở lòng và mở rộng đôi tay đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để bước vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu, nhờ đó hiệp với Chúa Cha, với Giáo Hội cũng như với mọi người. Thực sự không dễ dàng chút nào khi phải thay đổi một lối suy nghĩ và một cách thức hành động đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc, từ cấp giáo xứ đến giáo hạt và giáo phận. Có lẽ chẳng còn cách nào hơn bằng cách bắt đầu từ cái nhỏ bé thôi, ở đây và lúc này.
PV: Thưa cha, trong bài thuyết trình của cha tại Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc Lần V, cha có chia sẻ về ưu tư của cha cho một “Trường đào tạo giáo lý viên” mang tính chính thức, vì có nhiều ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng. Phải chăng ưu tư đó của cha khởi nguồn từ số 61 của cuốn Hướng dẫn tổng quát việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam- 2017 “Giáo lý viên cần được đào tạo giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu, trong các trường dành riêng cho giáo lý viên thông thường và các trường chuyên môn dành cho những người có trách nhiệm cũng như các chuyên viên về huấn giáo? Và cha có dự tính gì trong tương lai để làm cho ưu tư của cha thành hiện thực tại Giáo phận Sài Gòn?
C.Hiền: Dựa vào vị thế thuận tiện của Saigon cũng như khả năng có được từ cơ sở vật chất đến nhân sự được huấn luyện từ các trường đào tạo cao cấp ở nước ngoài đang cộng tác với ban giáo lý giáo phận, chúng tôi đang theo đuổi ý định xây dựng một trường đào tạo giáo lý viên với hai cấp: đào tạo giáo lý viên thông thường và giáo lý viên phụ trách huấn giáo tại các giáo xứ. Nhờ sự trợ giúp của Chúa và hỗ trợ của các Đấng Bản Quyền, chúng tôi hy vọng ý định ấy sẽ được thực hiện trong tương lai gần.
     Tôi vẫn thầm cám ơn Chúa đã ban cho GHVN có rất nhiều bạn trẻ dấn thân như những thiện nguyện viên trong việc dạy giáo lý tại các giáo xứ. Họ vừa dạy vừa tham gia các khóa đào tạo, để tự trau dồi bản thân nhằm phục vụ tốt hơn. Họ chẳng cần bằng cấp cũng chẳng bận tâm đến thù lao, chỉ mong được phục vụ. Thử hỏi ai sẽ là người đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ?
     Nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân có khả năng và kinh nghiệm trong lãnh vực huấn giáo, được thúc đẩy bởi nhiệt tình phục vụ của các bạn trẻ, đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi trong việc đào tạo giáo lý viên suốt những năm qua. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi muốn kéo dài mãi hình thức giáo lý viên "thiện nguyện”, bởi một đàng vẫn mong cho hình thức giáo lý viên làm việc toàn thời gian cũng như bán thời gian sẽ được phát triển trong tương lai, đàng khác vẫn muốn tạo cơ hội cho các giáo lý viên “thiện nguyện” trau dồi khả năng để có thể phục vụ cách “chuyên nghiệp” như ước nguyện của họ.
PV: Trong cuốn Hướng dẫn Tổng quát, số 61 có đề cập đến việc cần phải "chú trọng đến việc đào tạo về Nhân bản, Đời sống thiêng liêng, Thánh Kinh và Thần học, các khoa tâm lý, xã hội, giáo dục và truyền thông cũng như về sư phạm” cho giáo lý viên. Với những khóa đã mở để đào tạo giáo lý viên tại Trung Tâm Mục Vụ, theo cha, những khóa học này đã đạt được ở những điểm nào?
C.Hiền: Nhìn chung, các chiều kích đào tạo trên đã có trong chương trình đào tạo giáo lý viên của giáo phận. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa cao bởi nhiều lý do:
     Trước hết, số lượng học viên theo học tại các cơ sở khá đông, nguyên số học viên theo học tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận trong ngày khai giảng năm học 2017-2018 đã là 306, gồm  156 học viên cấp 1, 102 cấp 2 và 48 cấp 3, chưa kể học viên của bốn cơ sở khác tại các giáo xứ An Nhơn, Tam Hải, Tân Hương và Bùi Môn. Với số lượng như thế, ban huấn luyện cũng khó mà biết rõ các học viên, khó để đồng hành và gặp gỡ cá nhân, là một trong những đòi hỏi cơ bản của việc đào tạo;
     Kế đến, phần lớn các giảng viên tham gia đào tạo là các vị đang giảng dạy trong các chủng viện và học viện dành cho chủng sinh và tu sĩ, nên phương pháp giảng dạy dành cho giáo lý viên cũng không khác bao nhiêu, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong sư phạm đào tạo;
     Sau hết, việc Ban Mục vụ Thiếu nhi cũng tham gia đào tạo giáo lý viên, thậm chí biên soạn sách giáo lý dưới danh nghĩa huấn luyện “huynh trưởng – giáo lý viên”, trùng lắp và song hành với các hoạt động của Ban Giáo lý, tạo nên sự phân hóa giữa các giáo xứ và giáo lý viên, là những người chịu ảnh hưởng trước tiên, bởi cha xứ chọn hình thức đào tạo và giáo trình nào thì các giáo lý viên phải theo như vậy; căng thẳng và xung đột xảy ra khi cha xứ được thuyên chuyển và cha xứ mới lại chọn một hình thức khác. Cho dù cả hai ban đã có nhiều nỗ lực để hợp tác với nhau, nhưng không thành, bởi nguyên tắc “tôn trọng chuyên môn hay lãnh giới” của nhau đã không tìm được tiếng nói chung.
     Vấn đề này cũng là một trong những vấn đề nhức nhối thường được đề cập tới nhiều lần trong các Đại Hội Giáo lý Toàn Quốc, ngay trong Đại Hội lần V vừa qua, nhưng không thể lấy một quyết định chung bởi nó thuộc quyền hạn của các Đấng Bản Quyền địa phương, cho nên mỗi giáo phận chọn lấy cho mình một giải pháp khả thi và hiệu quả nhất. Khó khăn vẫn còn nhiều, mong quý anh chị thêm lời cầu nguyện cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn.  
Tác giả: Nữ tu Ngọc Lễ, OP. & web giaolyductin thực hiện
GPKONTUM (11/09/2017) KONTUM






ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V – Thuyết trình 5

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V – Thuyết trình 5

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V –
Thuyết trình 5: ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN CHỨNG NHÂN NIỀM VUI TIN MỪNG
(31/08/2017)
     Các bạn giáo lý viên quý mến, hôm nay tôi đến đây với tư cách Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, nhưng đồng thời cũng với tư cách một người bạn, chia sẻ với những người bạn giáo lý viên khác về một đề tài chắc chắn là hữu ích cho tất cả các bạn giáo lý viên: “Đào tạo giáo lý viên – chứng nhân niềm vui Tin Mừng”.
      Trước hết, chúng ta nên đề cập đến các điều kiện và các thái độ Giáo Hội chờ đợi nơi các bạn GLV.
     Điều kiện đầu tiên là một đức tin vững vàng; dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng có những lúc đức tin bị chao đảo, vì gặp quá nhiều thử thách. Chính vì thế mà các bạn cần không ngừng củng cố đức tin của mình, bằng cách tiếp xúc thường xuyên với Chúa, trau dồi các kiến thức về Kinh Thánh và Thần Học. Các bạn chắc biết Kinh Thánh là linh hồn của giáo lý và thần học. Mọi giáo lý viên phải biết sống Lời Chúa trước khi nói về Chúa cho người khác.
     Điều kiện thứ hai là lòng mến: Tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân. Nếu là con người khô khan nguội lạnh, chúng ta không thể nào dạy giáo lý được. Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta loan báo Tin Mừng, thúc bách các giáo lý viên hăng say dạy giáo lý. Có yêu mến Chúa Kitô thật nhiều, chúng ta mới cố gắng tìm hiểu vê Ngài và nhờ đó biết rõ về Ngài hơn. Dĩ nhiên cần nhiều ơn Chúa và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng phải yêu mến tha nhân, yêu mến thiếu nhi và thanh thiếu niên, chúng ta mới có thể hăng say giảng dạy giáo lý cho chúng.
     Điều kiện thứ ba là chúng ta phải biết một cách rõ ràng nội dung giáo lý đức tin và cả khoa sư phạm giáo lý , thì mới có thể truyền đạt một cách dễ dàng và nhuần nhuyễn nội dung ấy cho các em. Nhưng nội dung đức tin luôn luôn phải đi đôi với sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu thường xuyên để các em có thể biết Chúa một cách cụ thể sống động hơn là một cách lý thuyết trên sách vở. Nói như vậy là chúng ta phải biết dung hòa nội dung đức tin với cường độ đức tin và dạy cho các em cũng biết làm như thế.
     Đề tài của chúng ta hôm nay là “ Đào tạo giáo lý viên-chứng nhân niềm vui tin mừng”. Chúng ta hoàn toàn dựa vào tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu dấu của chúng ta. Đức Thánh Cha nói một cách say sưa trong tông huấn về niềm vui luôn luôn mới mẻ khi loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha cũng vạch ra những lối đi cho việc loan báo Tin Mừng hôm nay và ngày mai. Ngài kêu gọi tât cả các kitô hữu trên thế giới “hãy đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Chúa Giêsu, hay ít ra hãy mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình”. Không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến.
     Mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Vui biết chừng nào, khi chúng ta trở lại với Người sau một lần chúng ta lạc lối. Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ chúng ta thấy mệt khi đi tìm Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng tha phải tha thứ cho nhau và Ngài đã làm gương cho chúng ta. Ngài đã tha cho chúng ta 70 lần 7. Ngài đã không ngừng vác chúng ta lên vai trở lại. Với một sự dịu dàng không gây thất vọng, nhưng luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta. Ngài làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên lên và bắt đầu lại.
     Các sách Tin Mừng không ngừng mời gọi chúng ta vui lên, như lời thiên thần chào Mẹ Maria: mừng vui lên! Hỡi Bà đầy ân phúc! Đức Maria đến thăm bà Elisabeth làm cho Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ; còn Mẹ thì thốt lên những lời hết sức phấn khởi: "Thân trí tôi hết sức hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, "Niềm vui của người kitô hữu chúng ta luôn chảy từ Trái Tim dạt dào của Chúa. Ngài hứa với các môn đệ: “anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Các môn đệ đi đến đâu, thì ở đó người ta rất vui mừng”.
     Niềm vui, không phải lúc nào trong cuộc đời, cũng được biểu lộ như nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và nó luôn tồn tại , dù chỉ như một ngọt đèn leo lét, phát sinh từ niềm tin, chúng ta chắc rằng chúng ta được Thiên Chúa thương yêu vô bờ bến. Tất cả chúng ta phải để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông vậy âm thầm, nhưng bền vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất. Lượng từ bi của Chúa không bao giờ cạn, Lòng thương xót của Người mãi mãi không vơi. Ngày nào Người cũng ban ân huệ mới; Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!
     Đôi khi chúng ta bị cám dỗ kiếm cớ để than thở và hành động như thể chúng ta chỉ hạnh phúc nếu có hàng ngàn các điều kiện. Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui nơi những người nghèo hầu như không có gì để bám víu vào. Nguồn vui đích thực bởi những người khác, những người mà giữa những bó buộc đầy ắp của nghề nghiệp, vẫn có thể giữ vững niềm tin trong sự thanh thoát và đơn sơ.
     Với mỗi người tùy theo cách của mình, tất cả các niềm vui đích thực đều bắt nguồn từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dẫn chúng ta vào tâm điểm của Tin Mừng: “Là kitô hữu không là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là một gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đòi một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.
     Nhờ sự gặp gỡ mới mẻ với Thiên Chúa, được triển nở thành một tình bạn phong phú, chúng ta được giải thoát khỏi sự hẹp hòi và khép kín của mình. Chúng ta trở thành con người đầy đủ khi chúng ta vượt lên trên bình diện nhân loại, khi chúng ta để cho Thiên Chúa dẫn đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về sự hiện hữu của mình. Ở đây, chúng ta tìm thấy cảm hứng cho mọi nỗ lực phúc âm hóa của chúng ta. Chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, chúng ta hãy chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
     Tự bản chất mọi kinh nghiệm đích thực về sự thật và lòng tốt đều tìm cách lớn lên trong chúng ta, và bất cứ ai đã từng trải nghiệm một sự giải thoát sâu xa, đều nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác. Khi lan tỏa, lòng tốt bén rễ và phát triển. Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình diện cao hơn, nhưng không kém phần mãnh liệt.
     Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nó suy yếu khi sống cô lập và dễ dãi, Những người vui hưởng đời sống nhiều nhất là những người bỏ lại sự an toàn ở trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng truyền đạt cuộc sống cho người khác. Khi kêu gọi người kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân, Chúng ta khám phá ra một quy luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tùy theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa sâu xa của công việc truyền giáo.
     Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt. Ước gì thế giới thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng, không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô.
     Canh tân việc rao giảng Tin Mừng có thể cống hiến cho các tín hữu cũng như những người nguội lạnh và không sống đạo, một niềm vui mới trong đức tin và hiệu quả trong hoạt động truyền giáo. Tâm điểm sứ điệp vẫn luôn luôn là Thiên Chúa, Đấng mạc khải Tình Thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Thiên Chúa không ngừng đổi mới những người con trung thành của Người, bất kể ở đâu, bất kể lứa tuổi nào. Họ sẽ bay lên cao bằng đôi cánh đại bàng, sẽ chạy mà không mệt, sẽ đi bộ mà không xỉu. Chính Đức Kitô là Tin Mừng vĩnh cữu, vẫn là một, hôm qua , hôm nay và mãi mãi. Sự giàu có và vẻ đẹp của Người thì vô biên.
     Theo như thánh Irênê thì khi đến trần gian này, Đức Kitô mang theo Ngài tất cả sự mới mẻ. Ngài luôn luôn có thể đổi mới cuộc đời chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta, cho dù sứ điệp kitô giáo đã từng biết đến những thời kỳ đen tối và những sự yếu đuối của Giáo Hội, sứ điệp ấy sẽ không bao giờ già đi. Đức Giêsu có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn mới mẻ.
     Sứ mạng này đòi chúng ta phải can đảm hơn, nhưng sẽ sai, nếu chúng ta coi nó là của riêng ta, mà ta phải luôn luôn nài xin cho nó là công trình của Chúa, ký ức của Israel về chính mình, ký ức của Israel như là sự chia sẻ sâu xa hơn về biến cố này qua mọi sự mà chúng ta có thể thấy và hiểu. Đức Giêsu Kitô là Người Loan Báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Người đã yêu thương chúng ta trước, và chỉ một mình Người "làm cho lớn lên”. Niềm xác tín này giúp chúng ta luôn giữ được tinh thần vui tươi giữa một nhiệm vụ quá đòi hỏi và thách thức. Thiên Chúa xin chúng ta mọi thứ, nhưng đồng thời cũng ban tặng chúng ta mọi thứ.
     Ký ức là một chiều kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi là "đệ nhị luật”, tương tự như ký ức của Israel về chính mình. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể như là sự tưởng nhớ hằng ngày của Hội Thánh về biến cố Vượt Qua của Chúa và như sự chia sẻ sâu xa hơn biến cố này. Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn luôn phát sinh từ sự tưỏng nhớ với tâm tình biết ơn: đó là ân sủng mà ta phái liên lỉ nài xin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy nhớ đến các lãnh đạo của chúng ta, những người đã giảng Lời Chúa cho chúng ta.
     Muốn đào tạo giáo lý viên thành những chứng nhân của niềm vui Tin Mừng, chúng ta phải đào tạo họ thành những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần. Những người loan Tin Mừng đầy Thánh Thần là những người dũng cảm mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các tông đồ thành sứ giả công bố các kỳ công của Thiên Chúa, có khả năng nói cho mọi người bằng thứ tiếng riêng của họ, ơn can đảm để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng một cách dạn dĩ mọi thời và mọi nơi, kể cả khi gặp chống đối.
     Chúng ta hãy chạy đến Chúa Thánh Thần hôm nay, vững vàng trong kinh nguyện, vì không cầu nguyện thì hoạt động của chúng ta có nguy cơ vô hiệu quả và sứ điệp của chúng ta trở thành trống rỗng. Đức Giêsu muốn những người loan báo Tin Mừng không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng trên hết bằng một đời sống được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Mỗi khi ta nói một cái gì “có khí thế”, nó thường chỉ về một sức thúc đẩy bên trong, khích lệ, tạo động lực, nuôi dưỡng và cống hiến ý nghĩa cho hoạt động cá nhân và cộng đồng của chúng ta.
     Ước gì việc phúc âm hóa đầy nhiệt huyết và vui tươi, quảng đại, can đảm, yêu thương vô bờ và hấp dẫn! Công việc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Nhưng không có lời khích lệ nào là đủ trừ khi lòng chúng ta cháy lửa của Chúa Thánh Thần. Việc phúc âm hóa đầy Thần Khí là công việc được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, vì Người là linh hồn của Hội Thánh được mời gọi để công bố Tin Mừng. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến và đổi mới Hội Thánh, khuấy động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước.
     Lời Chúa mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc. Là những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát triển hương vị thiêng liêng của việc sống chan hòa với dân và khám phá ra rằng điều này tự nó là một nguồn vui tuyệt vời. Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, đồng thời là một niềm say mê dân Người. Đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu của tình yêu của Người, tình yêu nâng chúng ta lên và kiện cường chúng ta.
     Trừ khi chúng ta mù, chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng Ngài chọn chúng ta từ giữa dân của Ngài và sai chúng ta đến với dân của Ngài; nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta không thể hiểu được căn tính thâm sâu của mình. Chính Đức Kitô là mẫu mực của phương pháp loan báo Tin Mừng này, nó đưa chúng ta vào tận lòng của dân Ngài. Tốt biết bao, khi muốn chiêm ngắm sự thân mật gần gũi của Ngài với mọi người! Nếu Ngài nói chuyện với ai, Ngài nhìn thẳng vào mặt họ, với một tình yêu và sự quan tâm sâu thẳm.
     Chúng ta thấy Ngài dễ đến gần như thế nào, khi Ngài đến gần người mù và ăn uống với những kẻ tội lỗi mà không sợ bị người khác thấy được, nghĩ mình là kẻ mê ăn uống và say sưa. Chúng ta thấy được sự tế nhị của Ngài khi cho phép người phụ nữ tội lỗi lấy dầu thơm xức chân Ngài, và khi tiếp ông Nicôđêmô ban đêm. Hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là tột đỉnh của cách mà Ngài đã sống suốt cả đời Ngài. Được gương sáng Ngài đánh động, chúng ta muốn hoàn toàn đi vào các thành phần cấu tạo của xã hội này, chia sẻ cuộc sống với mọi người, lắng nghe các mối quan tâm của họ, vật chất và tinh thần trong các nhu cầu của họ, vui với người vui, khóc với người khóc; tay trong tay với những người khác, chúng ta dấn thân xây dựng một xã hội mới, một thế giới mới.
     Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành kitô hữu đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa. Nhưng Đức Giêsu muốn rằng chúng ta chạm vào các vết thương của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài muốn chúng ta đi vào thực tế đời sống của người khác và biết sức mạnh của sự dịu dàng. Ngài hy vọng chúng ta ngưng tìm kiếm các tháp ngà của cá nhân hay cộng đồng. Mỗi khi làm như thế, đời sống cá nhân của chúng ta sẽ trở nên hòa nhập một cách kỳ diệu vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Chúng ta cảm nghiệm một cách sâu xa thế nào là một dân tộc, thế nào là thành phần của một dân tộc.
     Chúa Thánh Thần hoạt động theo Người muốn, khi Người muốn, nơi nào Người muốn. Người muốn chúng ta phó thác cho Người không đòi hỏi kết quả ấn tượng.
     Chúng ta chỉ biết rằng sự dấn thân của chúng ta là cần thiết. Chúng ta hãy biết học để nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Chúa Cha, ta hãy tiếp tục tiến tới, giữa các hoạt động sáng tạo và quảng đại của mình. Vững vàng tin cậy vào Chúa Thánh Thần, vì chúng ta cần liên lỉ kêu xin Chúa Thánh Thần, vì chính Người là “Đấng cứu giúp những nỗi yếu hèn của chúng ta”.
     Người có thể chữa lành những gì làm chúng ta suy giảm nhiệt tình truyền giáo. Đúng là sự tin cậy này vào Đấng vô hình có thể làm chúng ta cảm thấy mất phương hướng: nó giống như chìm xuống biển sâu, không biết sẽ gặp những gì, không có sự tự do nào lớn hơn là để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và điều khiển chúng ta, dẫn đưa chúng ta đi đâu, tùy theo ý Người. Chúa Thánh Thần biết rõ cái gì cần, ở đâu cần và lúc nào. Hiệu quả một cách mầu nhiệm có nghĩa là như thế.
     Cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Đức Maria hiện diện giữa dân Chúa. Ngài cùng với các môn đệ xin Chúa Thánh Thần ngự đến và nhờ đó diễn ra sự bùng phát truyền giáo vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, khi không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần truyền giáo của cuộc tân phúc âm hóa. Trên thánh giá, khi đang chịu đựng nơi thân thể mình cuộc hội ngộ đầy kịch tính giữa tội của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể cảm nhận sự hiện diện của Mẹ Maria và bạn của Ngài dưới chân thánh giá.
     Vào giờ phút quyết định, trước khi hoàn tất công trình mà Chúa Cha đã giao phó cho Ngài, Đức Giêsu nói với Mẹ Maria "Thưa Bà, đây là Con của Bà”. Rồi Ngài nói với người bạn yêu dấu của Ngài “này là Mẹ của anh”. Những lời này của Đức Giêsu trong cơn hấp hối chủ yếu không phải là để bày tỏ lòng tôn sùng và quan tâm đối với Mẹ của Ngài, đúng hơn đó là một công thức của mạc khải để tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ mạng cứu rỗi đặc biệt. Đức Giêsu trối lại cho chúng ta Mẹ của Ngài. Chỉ sau khi làm xong việc này, Chúa Giêsu biết rằng “bây giờ mọi sự đã hoàn tất”.
     Dưới chân thập giá, vào giờ phút tột đỉnh này của cuộc tạo dựng mới, Đức Giêsu trối lại cho chúng ta Mẹ của Ngài. Ngài đưa chúng ta đến với Mẹ, vì Ngài không muốn rời bỏ chúng ta đi trên đường đời mà không có Mẹ. Đức Kitô không muốn rời Hội Thánh mà không để lại biểu tượng này của tình mẫu tử. Là người đã đem Đức Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ Maria cũng đồng hành với “những người còn lại” trong dòng dõi của Mẹ, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu, Chúa chúng ta .
     Đức Maria để mình một lần nữa tin vào bản chất cách mạng là được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong hành trình đức tin hướng tới sứ mạng phục vụ và sinh hoa kết quả. Chúng ta hướng về Mẹ Maria và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người và giúp những người mới trở thành môn đệ , đến lượt họ, cũng trở thành những người loan báo Tin Mừng. Trên con đường loan báo Tin Mừng này, chúng ta sẽ gặp những lúc khô khan, tăm tối và cả mệt mỏi. Mẹ Maria đã gặp những thử thách này trong những năm tuổi thơ của Đức Giêsu tại Nazareth.
     Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ, ta thấy lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng. Chiêm ngắm Mẹ Maria, chúng ta nhận ra Mẹ là người từng ca ngợi Thiên Chúa vì “đã hạ bệ những ai quyền thế và đuổi những người giàu có trở về tay trắng”. Mẹ Maria cũng là người “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy trong lòng”. Đức Maria có khả năng nhận ra những dấu vết của Thần Khí Thiên Chúa trong những sự kiện lớn cũng như nhỏ.
     Mẹ Maria liên lỉ chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, trong lịch sử nhân loại và trong đời sống thường ngày của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và lao động ở Nazareth, và cũng là Đức Bà đi viếng bà thánh Isave. Sự giao thoa giữa hoạt động và chiêm niệm, làm cho cộng đồng Hội Thánh nhìn lên Đức Mẹ như là mẫu gương của sự loan báo Tin Mừng. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, để Hội Thánh trở thành mái ấm gia đình cho nhiều dân tộc, mở đường để một thế giới mới được sinh ra. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã nói với chúng ta với một quyền năng làm cho chúng ta tràn trề tin tưởng và hy vọng: "Này đây Ta đổi mới mọi sự.”
Tác giả: Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc
NGUỒN : giaolyductin.net
GPKONTUM (09/09/2017) KONTUM







ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V - Thuyết trình 4

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V - Thuyết trình 4

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN V
 Thuyết trình 4: DẠY GIÁO LÝ:
 ĐÀO TẠO KITÔ HỮU HIỆP THÔNG VỚI MỌI NGƯỜI
      Đào tạo các Kitô hữu biết sống hiệp thông với mọi người có lẽ là một đề tài xa lạ với quan niệm cổ truyền về việc dạy giáo lý, nhưng thực ra đó lại là một chiều kích không thể thiếu. Qua nhiều thế hệ, việc dạy giáo lý được quan niệm như là hoạt động dạy cho tín hữu biết những điều phải “tin-giữ-xin-chịu”: tin vào Chúa, giữ các giới răn, cầu xin, chịu các bí tích. Ngày nay, việc dạy giáo lý được hiểu là công cuộc đào tạo những con người Kitô hữu sống mầu nhiệm hiệp thông : “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô ; nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh, và với nhân loại” (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017, số 39).
      Dạy giáo lý là một hình thức đặc biệt của sứ vụ loan báo Tin Mừng ; mà sứ vụ Phúc Âm hóa lại bắt nguồn từ sự hiệp thông và hướng đến sự hiệp thông: “Hiệp thông và sứ vụ là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói «hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa trái của sứ vụ : hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông»” (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 24).
I- Tinh thần hiệp thông
      Nói một cách chính xác, sự hiệp thông (communio) là sự kết hợp cá vị của từng Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa ; sự kết hợp ấy khởi đầu với đức tin và bí tích Rửa tội, nhờ đó họ được trở nên chi thể trong Nhiệm Thể Hội Thánh và thông phần sự sống của Ba Ngôi, và sự kết hợp ấy đạt cao điểm nơi bí tích Thánh Thể.
      Vì thế, ngoài sự hiệp thông với các Giáo hội Kitô khác, sự hiệp thông với mọi người được bàn ở đây được hiểu theo nghĩa thông thường như là sự hợp nhất. Cũng như tất cả các sinh hoạt khác của Hội Thánh, việc dạy giáo lý không thể đi ra ngoài căn tính của Hội Thánh như là bí tích cứu độ, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện của sự hợp nhất của loài người với Thiên Chúa và của loài người với nhau (x. Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 1). Sự hiệp thông với mọi người là hoa trái của sự hiệp thông với Ba Ngôi và hiệp thông trong Hội Thánh.
      Bản Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017 số 56 đưa ra những chỉ dẫn liên quan đến việc kiến tạo hiệp thông với mọi người:
      “Việc dạy giáo lý phải vượt ra khỏi khuôn khổ của một «lớp học», vươn ra các vấn đề xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng. Để thực hiện điều đó, giáo lý viên giúp học viên giáo lý :
– Quan tâm nhiều hơn đến những chuyển biến của xã hội, biết đọc các dấu chỉ của thời đại để khám phá ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, lắng nghe lời mời gọi của Ngài trong các hoàn cảnh khác nhau.
– Có khả năng diễn tả niềm xác tín của mình khi học giáo lý, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chứng tá về một cuộc sống tốt đẹp, cả về thể lý lẫn tinh thần, nhờ sống theo các giá trị Tin Mừng ;
– Có khả năng đáp lại lời mời gọi của Chúa ngay trong cuộc sống, bằng cách dấn thân xây dựng và bảo vệ môi trường, quan tâm đến người nghèo, đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần, đồng thời hợp tác với mọi thành phần trong xã hội phục vụ cho công ích và cho sự sống của con người”.
      Nói một cách cụ thể, các tín hữu Công giáo cần kiến tạo sự hợp nhất với các Kitô hữu khác, với các tôn giáo và các nền văn hóa, với tất cả mọi người trong xã hội, bằng đối thoại, cầu nguyện, cộng tác, dấn thân phục vụ…
      Để có được sự hiệp thông với mọi người, cần có tâm thế hiệp thông, với một số thái độ cơ bản nơi chủ thể.
      1- Cái nhìn tích cực về nhau
        Tinh thần hiệp thông khởi đầu bằng nhãn quan tích cực, thiện cảm và yêu thương.
       Năm 1054 Chính Thống giáo đã tách rời khỏi Hội Thánh Công giáo Roma và hai bên ra vạ tuyệt thông cho nhau. Phải chờ cho đến ngày 6-1-1964, ĐTC Phaolô VI mới có thể tạo ra bước ngoặt khi gặp gỡ và ôm hôn Thượng Phụ Athenagoras tại Giêrusalem. Người ta gọi đó là cái hôn lịch sử, vì từ cái hôn đó, vào ngày 7-12-1965, sát ngày bế mạc Công đồng Vaticano II, ĐTC Phaolô VI và Thượng Phụ Athenagoras của Constantinopolis đã cùng một lúc xóa bỏ vạ tuyệt thông lẫn nhau.
       Ngày 31-10-1517, Martin Luther yết thị 95 mệnh đề tại cửa Nhà thờ lâu đài Wittemberg bên Đức. Cuộc Cải cách của Martin Luther mở đầu cho sự xuất hiện của Tin Lành. Ngày 31-10-2016, ĐTC Phanxicô đã đến thành phố Lund, Thụy Điển, để cùng với Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther. Liên hiệp này hiện qui tụ 145 Giáo hội Tin Lành Luther tại 98 quốc gia trên thế giới với tổng số 74 triệu tín hữu. Lễ tưởng niệm có chủ đề là “Từ xung khắc đến hiệp thông – Liên kết trong hy vọng” đã diễn ra tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Lund. Trong buổi cầu nguyện, hai đại diện của Tin Lành Luther và Công giáo đã nhìn nhận những đau thương các tín hữu hai Giáo hội đã gây ra cho nhau trong lịch sử và cầu xin Chúa tha thứ.
      ĐGH Bênêđictô 16 phát biểu trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình tại Assisi, 27-10-2011:
“Chúng ta thấy tôn giáo như nguyên nhân gây ra bạo lực ngay cả khi bạo lực được những người bênh vực tôn giáo dùng để chống lại những người khác. Những người đại diện của các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ Assisi năm 1986 đã muốn nói lên – và chúng ta mạnh mẽ lặp lại điều này một cách quả quyết – rằng : đó không phải là thực chất của tôn giáo. Trái lại đó là sự ngụy tạo tôn giáo và nó góp phần tiêu diệt tôn giáo … Là Kitô hữu, tôi muốn đề cập đến sự việc này : phải, trong lịch sử, bạo lực đã được sử dụng nhân danh đức tin Kitô giáo. Chúng tôi thật hổ thẹn khi nhìn nhận điều đó. Nhưng rõ ràng rằng đức tin Kitô giáo đã bị lạm dụng, trái ngược hoàn toàn với bản chất thực sự của niềm tin này.”
      Muốn kiến tạo hiệp thông, cần có cái nhìn tích cực : không những không lên án nhau, mà còn nhìn nhận những điều tốt điều đúng nơi người khác, đồng thời nhìn nhận lỗi lầm riêng của mình. Nếu không, sẽ chẳng bao giờ xây dựng được sự hợp nhất.
      2- Đối thoại
     Đối thoại (dia-logue) là lời nói qua nói lại, lời của hai người nói với nhau, là lời từ trái tim đến trái tim, nhằm hiểu biết lẫn nhau xuyên qua lời nói và cùng nhau phục vụ hạnh phúc của con người.
     “Đối thoại không phải chỉ là một chiến thuật để sống chung hoà bình giữa các dân tộc; nhưng đó là một phần thiết yếu trong sứ mạng Hội Thánh, vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương của Chúa Cha với nhân loại thông qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Hội Thánh chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình theo một cách giống như cách Thiên Chúa đã làm trong Đức Giêsu Kitô : Ngài trở thành con người, chia sẻ cuộc sống con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Sự đối thoại mà Hội Thánh đề xuất được xây dựng dựa trên nền tảng là lôgíc của sự Nhập Thể. Bởi đó, không phải vì điều gì khác hơn là do liên đới một cách nhiệt tình, vô vị lợi, mà Hội Thánh đã mở cuộc đối thoại với những con người Á Châu đang tìm kiếm sự thật trong tình thương.” (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 29)
     Để có thể đối thoại, cần đi ra khỏi mình và biết lắng nghe. Không thể đối thoại nếu không biết nghe. Đôi lúc ta như hai người điếc, không nghe hoặc nghe mà không hiểu mà vẫn cứ muốn nói, nên rốt cuộc là mỗi người nói một điều và không bao giờ gặp nhau như hai đường thẳng song song; hoặc cùng nói một điều nhưng lại cãi nhau.
     Tin Lành và Công giáo xa cách nhau 500 năm vì mỗi người hiểu “công chính hóa” theo kiểu của mình. Nhưng từ sau Công đồng Vaticanô II, nhờ đối thoại, Giáo hội Tin lành Luther và Công giáo đã ký kết Tuyên bố chung về học thuyết công chính hóa, vào ngày 31-10-1999 tại Augsbourg. Sau đó, ngày 17-6-2013, trước mặt Hội đồng Hiệp hội các Giáo hội Luther thế giới (FLM) tại Thụy Sĩ, Ðức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, đã giới thiệu Bản Tuyên ngôn chung của hai Giáo hội Luther và Công giáo: “Từ xung đột đến hiệp thông : kỷ niệm chung của Luther-Công giáo trong năm 2017”.
      3- Cùng nhau hành động vì thiện ích chung
     Tinh thần hiệp thông thúc đẩy các Kitô hữu ra khỏi mình để dấn thân phục vụ tha nhân. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 27-3-2013, ĐTC Phanxicô mời gọi: “Theo Chúa Giêsu có nghĩa là học cách ra khỏi chính mình, để đi gặp tha nhân, nhất là những người bị lãng quên, những người đang cần được cảm thông hơn cả, cần an ủi, giúp đỡ. Theo Chúa Kitô, đòi ta phải «ra khỏi» chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi chỉ theo thói quen, ra khỏi cám dỗ co cụm trong những khuôn khổ của mình, và rốt cuộc khép kín chân trời hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa ra khỏi mình để đến ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều giữa chúng ta để mang đến cho chúng ta lòng từ bi của Thiên Chúa, thì bản thân chúng ta cũng phải trở nên giống Ngài như vậy.”
     Sự phục vụ cũng phải phát xuất từ tinh thần hiệp thông, vượt trên mọi e dè nghi ngại vì khép kín co cụm. Tin Mừng là động lực của hợp tác để kiến tạo hòa bình và phát triển, chứ không thể là cớ để ngăn cách phe nhóm. 
     Tin Mừng Marcô kể: “Ông Gioan nói với Đức Giêsu : «Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.» Đức Giêsu bảo: «Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.»” (Mc 9, 38-40).
     ĐTC Bênêđictô 16 nói trong Sứ điệp truyền giáo 2010: “Trong một xã hội đa chủng tộc ngày càng kinh nghiệm nhiều hơn những hình thức cô đơn và lãnh đạm, người Kitô hữu phải học biết trao ban những dấu hiệu của niềm hy vọng và trở thành anh chị em của mọi người, khi vun trồng các lý tưởng lớn nhằm biến đổi lịch sử, và, không chút ảo tưởng hay lo sợ viễn vông, biết dấn thân làm cho hành tinh này trở thành ngôi nhà của mọi dân tộc … Tin Mừng là men của tự do và phát triển, là nguồn mạch của tình huynh đệ, sự khiêm nhường và hoà bình”.
II- Hiệp thông với mọi người
a) Hiệp thông với các Giáo hội Kitô
     Với Sắc lệnh về đại kết, Công đồng Vaticanô II cho thấy giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác đã có sự hiệp thông theo nghĩa hẹp rồi, hiệp thông thực sự dù chưa trọn vẹn. Sự hiệp thông này đặt nền tảng trên lòng tin vào Đức Kitô và bí tích Rửa tội. Các cộng đoàn Kitô khác cũng được gọi là Giáo hội hoặc cộng đoàn Giáo hội, vì họ cũng chứa đựng nhiều yếu tố cấu thành Hội Thánh, tuy không đầy đủ.
     Từ đó, Hội Thánh Công giáo không còn gọi các Giáo hội Kitô khác là ly khai, nhưng là anh chị em. Từ nay tất cả các Giáo hội, Công giáo cũng như các Giáo hội Kitô khác, không được lên án nhau, mà cùng nhau tìm về hợp nhất như ước muốn của Đức Kitô. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là gương xấu rất lớn cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng. Công cuộc kiến tạo hợp nhất giữa các Giáo hội được gọi là “đại kết”.
     “Muốn cho công cuộc đại kết được trung thực và sinh kết quả, phía người Công giáo cần phải có một số thái độ căn bản : trước hết là bác ái, biểu lộ qua sự nhân hậu và lòng khao khát cộng tác mỗi khi có thể với tín hữu các Giáo hội và các Cộng đồng khác ; thứ đến là trung thành đối với Giáo hội Công giáo của mình, dù vẫn không làm ngơ hay phủ nhận những khuyết điểm của một số thành phần trong Giáo hội; ba là phải có óc phân định để biết đánh giá tất cả những gì là tốt đẹp và đáng khen. Sau cùng là chân thành ước ao được thanh tẩy và được đổi mới.” (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 30)
     Công cuộc đại kết có thể được thực hiện trên nhiều bình diện:
– Đại kết về tinh thần: tha thứ cho nhau, sống thánh thiện, cầu nguyện
– Đại kết về thần học: nghiên cứu đạo lý, tìm ra những tương đồng và dị biệt, điều chính điều phụ, nội dung cốt lõi và cách diễn tả.
– Đại kết trong hành động: cộng tác với nhau trong các công tác bác ái nhằm phục vụ nhân loại.
Trong thực tế tại Việt Nam, ngoài các tín hữu Công giáo, dường như chỉ có anh chị em Tin Lành là Kitô hữu, với khoảng 400.000 vào năm 1999 và tăng lên 1.200.000 vào năm 2005.
     Trước năm 1975, một số chuyên viên Kinh Thánh của Công giáo và Tin Lành đã làm việc chung với nhau để dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Việt.
    Các tín hữu Công giáo có thể học hỏi nơi anh chị em Tin Lành lòng hăng say học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa, nhiệt thành loan báo Chúa Giêsu bằng nhiều cách.
     Phê bình nói xấu hoặc cạnh tranh là cám dỗ cho các Kitô hữu từ hai Giáo hội. Cần đi theo hướng dẫn của Hội Thánh để nhìn nhận giá trị tích cực của nhau, hướng tới một cuộc đối thoại để cùng làm chứng cho Tin Mừng chứ không tìm củng cố vị thế của mình.
    Trong hoạt động dạy giáo lý, cần củng cố đức tin cho học viên. Có những vấn nạn động chạm đến những điều cốt yếu của đức tin Công giáo. Có thể các học viên đã nhiều lần đối diện với những câu hỏi ấy, nên cần được hướng dẫn để có thể  "luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3, 15-16).
b) Đối thoại với các tôn giáo
     Sự hiệp thông với các tôn giáo được hiểu như là tiếp xúc, đối thoại và cộng tác với tín đồ các tôn giáo khác.
     Tuyên ngôn Vào thời đại chúng ta (28-10-1965) của Công đồng Vaticanô II và tông huấn Giáo hội tại châu Á số 31 (6-11-1999) của ĐTC Gioan-Phaolô II đã chỉ ra các nguyên tắc cho việc đối thoại với các với các tôn giáo.
     Đối thoại liên tôn giáo không phải chỉ là một cách để giúp các bên hiểu biết nhau và làm giàu cho nhau, mà còn là một phần trong chính sứ mạng Phúc Âm hoá.
     Hội Thánh nhìn nhận bất cứ điều gì chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo, tuy nhiên không phải vì thế mà Hội Thánh quên đi sứ mạng của mình là minh nhiên tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là “đường đi, sự thật và sự sống”.
     Trong quá trình đối thoại, “không được bỏ qua những nguyên tắc hay theo chủ nghĩa thoả hiệp giả tạo, trái lại, cả hai bên đều phải đưa ra và tiếp nhận được những bằng chứng giúp nhau tiến tới trên con đường tìm tòi và sống kinh nghiệm tôn giáo, cũng như loại trừ những thành kiến, thái độ bất khoan nhượng và những ngộ nhận về nhau. Chỉ những ai có đức tin Kitô giáo trưởng thành và sâu sắc mới đủ tư cách tham gia việc đối thoại liên tôn chính hiệu.” (Giáo hội tại châu Á số 31).
     Cuộc đối thoại cần được thực hiện bằng cuộc sống và bằng tình yêu, với con tim dịu dàng khiêm tốn, cởi mở, có thiện chí lắng nghe nhau, tôn trọng và cảm thông với người khác trong sự dị biệt của họ.
     Đó là điều kiện cơ bản để từ đó có thể gặp gỡ, cộng tác, hoà hợp và làm giàu cho nhau, qua những hoạt động cụ thể như trao đổi mang tính hàn lâm giữa các chuyên gia về các truyền thống tôn giáo, cùng nhau hoạt động cho sự phát triển con người toàn diện, bảo vệ các giá trị nhân bản và tôn giáo.
     Cuộc gặp gỡ giữa Hội Thánh Công giáo và đại biểu các tôn giáo khác trên thế giới tại Assisi ngày 27-10-1986 cho thấy mọi người có tôn giáo không cần phải từ bỏ truyền thống của mình, vẫn có thể tham gia cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình và thiện ích của nhân loại.
     Tại Việt Nam, có tín đồ của Phật giáo (khoảng 12 triệu), Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, Ba Ha’i, Balamon… Trong lịch sử, sự căng thẳng giữa một số Kitô hữu Công giáo và tín đồ Phật giáo không phải là không có, và đôi khi phát xuất từ nhiều động cơ.
     Cuộc đối thoại liên tôn mới chỉ được thực hiện ở tầm mức cá nhân hay tập thể nhỏ, qua một vài cuộc gặp gỡ, mừng lễ, giao lưu hữu nghị hoặc hợp tác trong hoạt động từ thiện. Tại Học viện Mục vụ của TGP Sài Gòn, đã có các khóa học về mục vụ đối thoại liên tôn để học hỏi về các tôn giáo, giáo huấn của Hội Thánh về đối thoại liên tôn và kỹ năng thực hành đối thoại liên tôn.
     Khá nhiều tín hữu Công giáo còn e dè trong việc gặp gỡ và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo, thậm chí không ít người vẫn còn giữ cái nhìn tiêu cực hoặc kết án các tôn giáo khác. Hơn ai hết, giáo lý viên cần học hỏi giáo huấn của Hội Thánh để sống tinh thần hiệp thông và gieo rắc tinh thần hiệp thông ấy cho các thế hệ Kitô hữu trẻ.
     “Chúng ta, những người Phật tử và Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một thế giới thường quá bị sâu xé bởi sự áp bức, thói ích kỷ, chế độ bộ tộc, những đối lập sắc tộc, trào lưu thủ cựu tôn giáo và bạo lực ; một thế giới trong đó ‘tha nhân’ bị coi và đối xử như là một hữu thể hạ đẳng không phải là người hay như một ai đó phải sợ hãi và, nếu có thể, phải loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi, trong tinh thần hợp tác với tất cả các người hành hương thiện chí, tôn trọng và bảo vệ nhân tính chúng của chúng ta trong sự đa dạng xã hội-kinh tế, chính trị và tôn giáo. Bén rễ trong những xác tín tôn giáo khác nhau, chúng ta được mời gọi công khai tố giác mọi sự xấu xa trong xã hội vốn làm hại đến tình huynh đệ ; chữa lành người khác khỏi những gì ngăn cản họ lớn lên trong sự quảng đại vô vị lợi, trở nên những người hòa giải phá đổ các bức tường chia rẽ trong xã hội, và thăng tiến một tình huynh đệ đích thực giữa các cá nhân và các nhóm người.” (Thư chúc mừng của Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, dịp lễ Vesakh 2014).
c) Đối thoại với mọi người trong xã hội
     Theo thống kê 2005, Việt Nam có khoảng 81% dân số được ghi là những người không theo tôn giáo nào. Trong thực tế, đại đa số sống theo tín ngưỡng dân gian, như niềm tin vào Ông Trời, tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, đời sống tâm linh và nhân sinh quan mang đậm dấu ấn của Tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo). Tín ngưỡng dân gian này ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người dân Việt và trở thành một nền văn hóa tâm linh, nên ngay cả nhiều người tự nhận là vô thần cũng sống theo nhân sinh quan của tín ngưỡng dân gian này.
     Cần phải “tập trung chú ý tới hoạt động vừa nhiều vừa đa dạng của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết lý của họ. Nói thế có nghĩa là những tôn giáo, văn hoá và triết lý ấy có thể giúp con người, cá nhân lẫn tập thể, chống lại sự dữ và phục vụ sự sống cũng như tất cả những gì tốt đẹp. Lực lượng tử thần luôn luôn tìm cách cô lập con người, xã hội và các cộng đồng tôn giáo với nhau, gieo rắc nghi ngờ và cạnh tranh, đưa người ta tới chỗ xung đột với nhau. Ngược lại, Thánh Thần luôn nâng đỡ con người đi tìm sự hiểu biết và đón nhận nhau. Thế nên, Thượng Hội Đồng đã có lý khi xem Thánh Thần Thiên Chúa là tác nhân chính yếu của việc đối thoại giữa Hội Thánh với mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo.” (Giáo hội tại châu Á số 15).
     Để đối thoại với mọi người trong cộng đồng dân tộc, các tín hữu Công giáo Việt Nam cần nhìn nhận và sống những giá trị tích cực trong văn hóa của dân tộc mình. “Người Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, luôn đề cao các giá trị tinh thần và đạo đức như uống nước nhớ nguồn, thờ cha kính mẹ, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôn sư trọng đạo, trọng tín nghĩa, khẳng khái, chân thành, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đoàn kết hào hùng chống ngoại xâm.” (Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017, số 10)
     Hiện nay trong đời sống xã hội, các lễ hội dân gian và nhiều phong trào như tin vào phong thủy, ngoại cảm, đang tạo nên một loại văn hóa tâm linh, thậm chí các tôn giáo đúng nghĩa nhiều khi cũng bị giản lược thành văn hóa tâm linh. Điều xem ra nghịch lý là trong một thế giới khoa học kỹ thuật, tuyên xưng vô thần, nhiều người lại tin vào một quyền lực huyền bí nào đó, vu vơ, mơ hồ, với mong ước được thuận lợi trong đời sống hằng ngày, nhất là về vật chất. Hiện tượng mê tín dị đoan cũng phát xuất từ đó.
     Nhiều tín hữu Công giáo cũng chịu sự tác động của văn hóa thời đại này. Không ít Kitô hữu cũng đi nước đôi trong đời sống tôn giáo : một đàng vẫn thực hành những việc đạo đức, nhưng đồng thời lại làm những việc mê tín dị đoan không phù hợp với đức tin Công giáo.
     Để có thể đối thoại với mọi người trong xã hội, việc dạy giáo lý phải giúp cho tín hữu Công giáo hiểu niềm tin của mình, xác tín về tính đặc thù của đức tin Công giáo, chứ không phải theo quan niệm đánh đồng “đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành” và cầu xin thần thánh trợ giúp.
     Ngoài ra, đạo hiếu là một nhịp cầu hết sức cần thiết và hữu hiệu liên kết các Kitô hữu và mọi người dân Việt. Từ ngày lập quốc đến nay, đạo hiếu đã luôn là rường cột trong nền luân lý của dân tộc Việt Nam. Tinh thần hiếu thảo được thể hiện không những đối với cha mẹ là Hạ Phụ, mà còn đối với Thiên Chúa là Thượng Phụ, với Quân Vương là Trung Phụ.
     Việc dạy giáo lý cần cổ võ đặc biệt lòng tôn kính tổ tiên. Trong hằng trăm năm, người Công giáo bị hiểu lầm là theo văn hóa ngoại lai nên từ bỏ ông bà cha mẹ, đặc biệt trong việc cúng giỗ. “Những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, chưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thư của Bộ Truyền Giáo về việc tôn kính Tổ Tiên, ngày 20-10-1964).
     Trong đời sống gia đình, lòng tôn kính tổ tiên và hiếu thảo cũng chính là chứng từ có tính thuyết phục góp phần rất lớn vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Trong các khóa giáo lý hôn nhân, cần giúp các bạn trẻ kết hôn với người bên lương (không được rửa tội hoặc có rửa tội) lưu tâm tới tầm quan trọng của điều này.
     Cũng thế, các khóa giáo lý cần giúp cho người Công giáo sau khi kết hôn về sống giữa gia đình bên lương, phải trở thành một Kitô hữu thật tốt để làm tỏa sáng vẻ hấp dẫn của đức tin Công giáo. Một bạn trẻ Công giáo kết hôn với người bên lương càng cần xác tín và sống đức tin của mình gấp nhiều lần hơn bình thường.
     Việc đối thoại với mọi người trong xã hội cũng đòi các Kitô hữu mở rộng trái tim và đôi tay để hợp tác với mọi người thiện chí trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hiện nay hiện tượng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội là rất đáng lo ngại. Bất công, gian dối, bạo lực, tàn ác, ngày càng lan rộng và trầm trọng. Môi trường sống bị hủy hoại, người nghèo bị bỏ rơi, người yếu thế bị áp bức và loại trừ…
     Trước thực trạng đó, phải cấp bách đưa học thuyết xã hội của Giáo hội vào chương trình giáo lý, nhất là cho người trưởng thành. Giáo lý không còn chỉ là dạy “giữ tin xin chịu”, nhưng còn là dạy “làm”, hành động để thăng tiến phẩm giá con người cách toàn diện. Kế hoạch của loan báo Tin Mừng là Phúc Âm hóa con người toàn diện, gồm cả hồn lẫn xác, cả cá nhân và xã hội, cả con người và vũ trụ vật chất.
Để kết
     Trong sứ điệp gửi Đại hội giáo lý quốc tế tại Buenos Aires (từ 11 đến 14-7-2017), ĐTC Phanxicô khích lệ các giáo lý viên chu toàn sứ mệnh phục vụ Hội Thánh bằng cách sống mật thiết với Chúa Giêsu và dùng mọi phương thế để loan báo Ngài, trước hết bằng chứng tá cuộc sống.
     Mở đầu sứ điệp, ĐTC trích câu của thánh Phanxicô Assisi trả lời các tu sĩ xin thánh nhân dạy cho các vị biết giảng dạy: “Hỡi anh em, khi chúng ta thăm viếng các người đau yếu, giúp đỡ trẻ em và cho người nghèo ăn là chúng ta đã giảng dạy rồi”. ĐTC nói: “Câu trả lời hay đẹp này tóm gọn ơn gọi và nhiệm vụ của giáo lý viên. Giáo lý viên không phải là một công việc hay một nhiệm vụ bên ngoài con người của mình, nhưng là một ơn gọi phục vụ Hội Thánh, đã nhận được từ Chúa và phải thông truyền trong suốt cuộc đời. Giáo lý viên phải luôn luôn quy hướng về lời loan báo ban đầu là ơn thay đổi cuộc sống. Việc loan báo này phải đi kèm đức tin đã hiện diện trong tâm tình tôn giáo của dân tộc chúng ta. Cần phát triển tiềm năng lòng đạo đức và tình yêu thương nằm trong tâm tình tôn giáo bình dân để thông truyền các nội dung đức tin và tạo ra một trường đào tạo giúp vun trồng ơn đã nhận lãnh.
     Để được như thế, giáo lý viên phải là người bước đi từ Chúa Kitô và với Chúa Kitô, chứ không phải khởi hành từ các tư tưởng và sở thích của riêng mình. Càng biết lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm, giáo lý viên càng ra khỏi chính mình và gần gũi tha nhân, theo gương Chúa Giêsu sống thân tình với Thiên Chúa Cha rồi gặp gỡ các người đói khát, chữa lành họ và cứu vớt họ.”
     Khi được hỏi về nét đặc thù giữa ba vị Giáo hoàng vĩ đại gần đây, ĐHY Blase Joseph Cupich, tổng giám mục Chicago, nói: ĐTC Gioan-Phaolô II dạy cho chúng ta biết ta phải làm gì (What  should we do ?), ĐTC Bênêđictô XVI dạy cho ta biết tại sao ta phải làm điều đó (Why should we  do ?), còn ĐTC Phanxicô bảo ta làm đi (Do !), và ngài đã làm trước.

     Dạy giáo lý cần phải là tổng hợp của cả ba điều đó.
+ Giuse Nguyễn Năng
NGUỒN : giaolyductin.net
GPKONTUM (08/09/2017) KONTUM